Theo TS Cấn Văn Lực, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 3 nước có tốc độ số người dùng Internet lớn nhất hiện nay với khoảng 54% người dùng, được kỳ vọng là nước có tiềm năng rất lớn để đón công nghệ 4.0. Hiện có 40% ngân hàng bán lẻ sẽ cung cấp trực tiếp cho khách hàng. 

Dự báo năm tới, doanh thu từ ngân hàng số sẽ chiếm 44% trong doanh thu của các ngân hàng. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn, đó là sự thay đổi mô hình kinh doanh và văn hóa kinh doanh; đầu tư công nghệ thông tin và rủi ro công nghệ. 

Ảnh minh họa: K.Thị Thu

Để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra khi hệ thống ngân hàng bước lên “con tàu” 4.0, theo ông Lực có 3 vấn đề cần quan tâm thời gian tới là nhân lực 4.0; cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và khuôn khổ hành lang pháp lý. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, các ngân hàng đang có sự chuyển động tích cực theo các xu hướng công nghệ mới. Đó là sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số, chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng trải nghiệm khách hàng với những sản phẩm, giải pháp dịch vụ mới về nghiệp vụ; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, quản lý dữ liệu trong điều kiện sử dụng dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo.

Hướng công nghệ 4.0 là mục tiêu mà các ngân hàng điện tử đang hướng tới, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng cho khách hàng. Theo Maritime Bank, từ tháng 12/2017, khách hàng có thể thanh toán hóa đơn: Điện, nước, truyền hình cáp, viễn thông, vé máy bay… cho gần 80 nhà cung cấp khác nhau chỉ với một phút trên ngân hàng điện tử và được hoàn toàn miễn phí.

Theo ngân hàng này, thay vì nhận hóa đơn giấy hoặc phải ra tận địa điểm của các nhà cung cấp vào mốc thời gian cố định thì với tính năng thanh toán hóa đơn trực tuyến, khách hàng có thể chủ động truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử (M - Banking) của Maritime Bank để thanh toán với hạn mức lên đến 500 triệu đồng/ngày.

Theo TTXVN