Bìa sách không bật nổi, tên sách lại như một sự đánh đố - tưởng là tên nhân vật nhưng hoá ra là tên một đô thị thời cổ đại Hy Lạp đã bị nổ tung - nhưng “Thèra” càng đọc càng hấp dẫn, thú vị nhờ tác giả viết những chuyện đời thường, những trạng thái tâm lý của đời sống vợ chồng muôn thuở mà không hề tầm thường, nhàm chán. Ngược lại, mỗi trang viết của bà sâu sắc và có vẻ đẹp của một tác phẩm điêu khắc công phu, tựa như “những bức tranh tường tuyệt vời” mà người ta phát hiện ở Thèra lúc khảo cổ. Chính tài miêu tả tâm lý và sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của tác giả đã làm nên vẻ đẹp đó.

Khác với “Vợ chồng” câu chuyện chỉ xoay quanh hai người và một đứa con, “Thèra” là bi kịch của hai cặp vợ chồng đổ vỡ lại có quan hệ đan chéo với nhau nên không chỉ hấp dẫn hơn nhờ những tình huống bất ngờ, trớ trêu mà do tâm lý diễn biến phong phú, phức tạp hơn nên người đọc có cái thú như của người chờ đợi được khám phá những chân trời mới. Quả là tâm hồn, tâm trạng mỗi con người cũng là “chân trời” vô cùng, luôn biến ảo, không ai lường hết được. Như hai cặp vợ chồng Elle-Amnon và Mikhal-Oded, ai ngờ được Elle trong lúc khủng hoảng vì sắp li dị với chồng là Amnon, được mẹ con Mikhal chia sẻ mọi nỗi buồn vui, nhưng rồi lại yêu chồng Mikhal là bác sĩ tâm lý Oded…
 
Cuộc “chia tay” - dù với bất cứ lý do nào - đối với người phụ nữ là cả mất mát, thiệt thòi, trống vắng và thường để lại những vết thương khó hàn gắn, nhất là khi họ đã có con. Có lẽ nhờ “ưu thế” là một phụ nữ, Shalev đã miêu tả thật sinh động vị trí của đứa con trong gia đình và những biến động tâm-sinh lý của chúng khi bố mẹ chia tay - lúc sống với mẹ, khi sống với bố, hoặc khi buộc phải “sống chung” với con riêng của bố dượng…
 
“…Những âm thanh chúng ta còn thốt ra trong năm đầu tiên đã hoàn toàn biến mất vào năm thứ ba, khi Guili ra đời, hình như thằng bé hút hết mọi từ tốt đẹp của chúng ta, tất cả vốn từ miêu tả niềm vui sướng hay sự thán phục đều chất đống trên cái giường hẹp của nó, còn giường của chúng ta thì mỗi ngày một trống trải hơn, và hàng đàn, hàng lũ những từ ngữ chua cay kéo đến lấp đầy cái khoảng trống ấy …”
 
Elle đã nhớ lại một trong vô số lý do đã khiến vợ chồng xa cách. Nhưng rồi có lúc chị lại ân hận và muốn quay về với người chồng cũ: “…Anh không biết em tiếc đến chừng nào đâu, giờ thì em đã biết mình sai lầm biết chừng nào, em muốn anh quay về, chúng mình lại là một gia đình, anh đã có lý, em không biết quý những gì mình có, em không hiểu những gì mình làm, em xin anh hãy bỏ qua cho em, em bảo đảm là anh sẽ không phải hối tiếc đâu, như vậy sẽ tốt cho cả ba chúng ta, nếu không thì em lại phải trốn con như lúc nãy…”
 
Đó chỉ là hai trạng thái tâm lý của một nhân vật; trong hơn 700 trang sách Thèra, hầu như mở bất kỳ trang nào, người đọc cũng có thể bắt gặp những cảnh đời, những dòng miêu tả tâm lý như thế.
 
“…Có hôm thằng bé đi học về, tự hào giương cao tấm biển màu mà nó tự tay làm để treo lên cửa phòng ngủ của bố mẹ. “Phòng của bố mẹ”, nó viết như vậy… Tôi cố mỉm cười, tấm biển đẹp quá, con trai ạ, vậy thì mẹ treo nó lên đi, mẹ ơi, sao mẹ không treo nó lên, còn tôi, suýt nữa, tôi hỏi lại nó, treo ở đâu hả con, con không thấy là nhà mình làm gì còn phòng nào như thế nữa? Nhưng thay vì thế, tôi cắn môi và treo tấm biển lên cửa phòng, đúng là bịp bợm…”
 
Chỉ một cảnh rất nhỏ, một chi tiết vặt nhưng khiến lòng người day dứt.
 
Nói chuyện ngoài văn chương một chút: Tôi đọc Thèra cuối năm 2009, nhưng không viết vì hình như nhiều độc giả hôm nay chuộng những cuốn sách gây “sốc”, chứ ít quan tâm đến loại tiểu thuyết tâm lý sâu sắc, những mới đây, đọc trên các báo thấy chuyện tan vỡ ly hôn ngày càng nhiều - tôi chợt nghĩ: giả như các “cặp” vợ chồng đã (hoặc sắp tan vỡ) được đọc tiểu thuyết của Shalev thì họ sẽ không vội ly dị hoặc thận trọng hơn khi lựa chọn người bạn đời… 
                                                                       
Nguyễn Khắc Phê