Bác sĩ thú y tiêm thuốc kháng sinh để phòng bệnh viêm vú ở bò sữa. Ảnh: The Guardian

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ), thuốc kháng sinh sử dụng trong các trang trại có thể lây lan vào môi trường tự nhiên, thông qua nhiều con đường như hệ thống nước, đất canh tác...Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên kết giữa việc lạm dụng thuốc kháng sinh và hiện tượng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, song vai trò của môi trường và ô nhiễm hầu như không được quan tâm. Một khi vấn nạn này kéo dài, tỷ lệ thành công trong công tác khám, chữa bệnh cho con người sẽ bị ảnh hưởng mạnh và dần mất hiệu quả.

Khi thuốc kháng sinh được sử dụng cho vật nuôi, phương pháp phân phối phổ biến thường được sử dụng là thông qua thức ăn và nguồn nước. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp kháng sinh được sử dụng quá nhiều, lượng thuốc dư thừa sẽ được đổ xuống các cánh đồng, khu vực đất lân cận hoặc các vũng bùn, nước. Hành động này cho phép các thành phần kháng sinh có cơ hội lây lan trong môi trường, với những hậu quả không thể lường trước được. Về lâu dài, môi trường tự nhiên sẽ trở thành hồ chứa dư lượng kháng sinh, mầm bệnh, các phân tử kháng khuẩn, tạo điều kiện tốt để vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển.

Ông Erik Solheim, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) chỉ ra rằng, hàm lượng kháng sinh cao cũng được tìm thấy tại các cơ sở sản xuất thuốc, khi quá trình xử lý nước thải bị quá tải hoặc thiếu hiệu quả. Trong một động thái có liên quan, các nhà khoa học của LHQ phát biểu: “Tại nhiều quốc gia trên thế giới, rất dễ dàng để tìm thấy nồng độ kháng sinh trong nước sông, trầm tích và đất – nơi tập trung nguồn nước xả thải của rác thải đô thị, công – nông nghiệp. Đây là dấu hiệu cho sự phát triển ngày càng mạnh của các thành phần vi khuẩn kháng thuốc”.

Cho đến nay, Chính phủ các nước đã tập trung chú ý vào việc hạn chế sử dụng sản phẩm kháng sinh. Mặc dù đây là một biện pháp quan trọng, nhưng hơn hết, các quốc gia cần tìm hiểu kỹ càng về tính chất đề kháng của vi khuẩn trong môi trường tự nhiên, từ đó lập kế hoạch, biện pháp cụ thể để đối phó và ngăn chặn có hiệu quả. Các biện pháp này có thể bao gồm việc tích cực triển khai các quy định chặt chẽ hơn trong công tác sản xuất thuốc, để ngăn ngừa khả năng sống sót của vi khuẩn trong nguồn nước, cùng lúc ra lệnh hạn chế sử dụng kháng sinh thường xuyên trong nuôi trồng. Ngoài ra, giới chức các nước cần cam kết các dòng kháng sinh chỉ định dùng riêng cho người tuyệt đối không được sử dụng cho động vật. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cần phải nhanh chóng phát triển các dòng thuốc kháng sinh có khả năng phân hủy và chuyển hóa nhanh trong môi trường tự nhiên.

Ông Dame Sally Davies, quan chức y tế hàng đầu của Anh nhấn mạnh, nếu sự lây lan của vi khuẩn kháng kháng sinh không được quản lý chặt chẽ, khả năng cao cuộc sống của hàng triệu con người sẽ bị đe dọa trong vài năm tới.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ The guardian)