Đây không chỉ là đánh giá sự phấn đấu, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng trong năm 2017, mà còn là cơ sở để xem xét, quy hoạch, bồi dưỡng, đề bạt đội ngũ cán bộ kế cận. Vì vậy, việc đánh giá cán bộ đúng thực chất là yêu cầu rất quan trọng.

Tại hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa do Tỉnh ủy tổ chức ngày 6/12 vừa qua, ông Vũ Ngọc Truyền, Vụ phó Vụ Địa phương II, Ban Tổ chức Trung ương Đảng thẳng thắn nhìn nhận khâu đánh giá cán bộ hiện nay vừa khó, vừa yếu. Bởi cùng một con người nhưng có nhiều cách nhận xét, đánh giá khác nhau, tùy vào người nhận xét. Hơn nữa đây là công việc nhạy cảm, liên quan đến "sinh mệnh" chính trị của từng người nên ai cũng ngại; chưa kể tâm lý "dễ người dễ ta" hoặc duy tình, bởi thường ngày vẫn gặp nhau trong công việc, cuộc sống…

Ngoài nguyên nhân chủ quan trên còn có những nguyên nhân khách quan do các quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với trong thực tế. Báo cáo tại hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đoàn Thị Thanh Huyền nêu rõ, về công tác đánh giá cán bộ, các tiêu chí đánh giá còn chung chung, định tính mà chưa có sự cụ thể hóa cho phù hợp với từng đối tượng được đánh giá, nên khó định lượng cụ thể và khó đánh giá trong thực tế. Do vậy, khi nhận xét, đánh giá cán bộ chủ yếu căn cứ vào tiêu chuẩn chung; đánh giá cán bộ chưa gắn với kết quả thực hiện công việc được phân công. Một số cấp ủy, cơ quan chưa nắm chắc văn bản hướng dẫn về công tác đánh giá cán bộ nên thực hiện còn lúng túng, thiếu chính xác; công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức vẫn còn mang tính hình thức, thiếu khách quan…

Trong thực tế, việc đánh giá thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên tuy khó nhưng dù sao còn dễ thấy, dễ “cân đong” hơn việc đánh giá về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của từng cán bộ, đảng viên. Bởi đây là vấn đề rất khó định lượng, chỉ có biểu hiện thì chưa đủ cơ sở kết luận mà cần phải xác minh, tìm chứng cứ. Cho nên, chỉ trừ các trường hợp vi phạm quá rõ ràng, được cơ quan chức năng điều tra, kết luận, xử lý thì mới có cơ sở để xử lý.

Một con số được Bí thư Thành ủy Huế Huỳnh Cư nêu tại hội nghị đã minh chứng cho hạn chế này. Đó là trong số hơn 100 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được đánh giá xếp loại chỉ có 1 trường hợp bị đánh giá còn hạn chế về năng lực.

Để việc nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên đúng thực chất; tạo cơ hội cho cán bộ, đảng viên phấn đấu vươn lên, đáp ứng việc xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có đức vừa có tài, vừa có tâm vừa có tầm là công việc cần tiến hành đồng bộ, từ công tác tổ chức đến chính trị tư tưởng; từ trung ương đến địa phương; từ quy định chung đến việc cụ thể hóa ở từng đơn vị, chức danh... Đây vừa là công việc trước mắt để nâng cao chất lượng đội ngũ vừa phục vụ việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).

Hoàng Giang