Trong đơn, người dân Đức Phú nêu khá cụ thể về những sai phạm trong thời gian 1998-1999 của ông Nguyễn Ngọc Hòa, Đội trưởng Đội sản xuất độc lập Đức Phú. Về vấn đề này, UBND xã Phong Hòa cho biết, ngày 09/3/1999, Đoàn kiểm tra của xã đã kiểm tra kinh tế của Đội và kết luận ông Hòa, Đội trưởng, chiếm dụng vốn 2,748 triệu đồng; ông Đoàn Văn Chung, đội phó, chiếm dụng vốn 12,081 triệu đồng. Mặc dù đã yêu cầu hoàn trả tiền vốn đầy đủ cho tập thể, nhưng hai ông không chấp hành nên xã có tờ trình gửi UBND huyện Phong Điền đề nghị xử lý. Tại buổi họp có sự tham gia của chính quyền xã và người dân Đức Phú, ông Hoà và ông Chung trả lời đã nộp đủ tiền nhưng thời gian nộp quá lâu nên chứng từ thất lạc. Hướng giải quyết của UBND xã có sự thống nhất của bà con trong thôn là “yêu cầu hai ông Hòa và Chung phải cung cấp đầy đủ các văn bản, chứng từ để chứng minh việc nộp tiền, nếu không có thì phải nộp tiền vào quỹ thôn Đức Phú”.
 
Trước ý kiến cho rằng, cần xem lại tư cách đạo đức cũng như thái độ chèn ép dân của ông Nguyễn Ngọc Khả, Đội trưởng Đội sản xuất độc lập Đức Phú hiện nay, UBND xã Phong Hoà cho biết: “Trong quá trình quản lý, điều hành, ông Khả cùng bà con trong thôn triển khai thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất. Ông Khả tích cực, xông xáo, giải quyết công việc đạt hiệu quả, tuy nhiên, do tính tình nóng nảy nên trong ứng xử, giao tiếp có lúc va vấp với xã viên”. Trong cuộc họp với người dân, ông Khả thừa nhận khuyết điểm đó của mình và xin rút kinh nghiệm.
 
Đơn thư phản ánh: ông Đoàn Văn Cư làm Trưởng thôn (năm 2011) đã cấu kết với một số người bán 10ha rừng của nhân dân nhưng không cơ quan nào giải quyết. Qua điều tra của xã, số diện tích rừng bị bán thực tế là 17ha, gồm 3 lô với 85 hộ tham gia trồng. Thấy cây cằn cỗi, không phát triển, ông Cư và ông Đoàn Văn Dưng, Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn bàn bạc với nhau, tự ý bán 17ha. Số tiền thu được từ bán rừng là 11,5 triệu đồng hiện đang được ông Dưng cất giữ. UBND xã Phong Hoà kết luận: “Việc bán rừng ở trên là sai nguyên tắc vì không họp các nhóm hộ trồng rừng để xin ý kiến thống nhất; không có phương án thanh lý rừng trình cho các cấp có thẩm quyền phê duyệt; bán rừng xong không công khai cho dân biết; không có phương án, kế hoạch trồng lại...”. Tại cuộc họp, hai ông Cư và Dưng thành khẩn nhận khuyết điểm trước bà con và xin hứa vào cuối năm 2013 sẽ họp các nhóm hộ để bàn kế hoạch trồng lại rừng. Về phía xã sẽ cử cán bộ chuyên môn làm việc với nhóm hộ để tiến hành trồng lại rừng; đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm đối với trưởng thôn.
 
Riêng về vấn đề xây dựng mương thủy lợi, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa Trần Văn Nguyện cho biết: tháng 5/2009, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc thu hồi đất để xây dựng Khucông nghiệp Prime (Thiên Phúc), tuyến mương Ròi Rõi của tập thể thôn được đền bù 56,122 triệu đồng. Qua nhiều lần họp, bà con kiến nghị với nhà máy: trong thời gian thi công xây dựng, nếu đất cát sạt lở làm ảnh hưởng đến dòng chảy của tuyến mương, đề nghị Công ty cổ phần Prime Thiên Phúc nạo vét, tránh ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con. Do công ty này thực hiện đúng cam kết và tuyến mương còn sử dụng tốt, nên số tiền đền bù bà con thống nhất nhập vào quỹ thôn để có hướng khắc phục cho công tác thủy lợi sau này. Hướng giải quyết của xã là “sẽ cử cán bộ cùng thôn kiểm tra, khảo sát hệ thống kênh mương thủy lợi, nếu thấy cần thiết nâng cấp, sửa chữa xây dựng các tuyến mương, sẽ lập dự toán, thiết kế, kinh phí để báo cáo với bà con thực hiện”.
 
Báo Thừa Thiên Huế hoan nghênh UBND huyện Phong Điền đã quan tâm chỉ đạo UBND xã Phong Hòa kiểm tra, giải quyết đơn kiến nghị của bạn đọc Báo một cách kịp thời và nghiêm túc. Qua trao đổi với người dân Đức Phú (đã phản ánh về vấn đề trên), họ cũng ghi nhận quá trình giải quyết của chính quyền xã Phong Hòa đối với những khúc mắc xảy ra ở thôn Đức Phú là thỏa đáng.
Thùy Hương