Thủy điện Bình Điền có mức nộp thuế tăng hơn 200% trong năm 2017
Một số nguồn thu đạt tốt nhưng không nhiều
Tính đến cuối tháng 10/2017, ngành thuế thu chưa tới 5.000 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 82% kế hoạch. Một số nguồn thu đạt tốt như thu từ doanh nghiệp (DN) Trung ương (trên 236 tỷ đồng, đạt hơn 98% kế hoạch và bằng 145% so với cùng kỳ); thu ở lĩnh vực ngoài quốc doanh đạt hơn 851 tỷ đồng, bằng 83,11% dự toán pháp lệnh. Các nhà máy thủy điện có số nộp ngân sách (NS) khá cao so với năm 2017, như: thủy điện Hương Điền tăng 202%, Bình Điền tăng 229%, Tả Trạch tăng 170%, A Lưới tăng 27%. Một số DN có số nộp NS tăng đột biến như Công ty CP Xuất nhập khẩu và Đầu tư tăng hơn 302%, Công ty CP Xi măng Đồng Lâm tăng 166%, Công ty CP Vicem thạch cao xi măng tăng 192%.
Đại diện ngành thuế cho hay, các DN nêu trên tăng đột biến nguồn nộp NS là nhờ đạt được hiệu quả tốt trong sản xuất, kinh doanh. Các nhà máy thủy điện có số nộp NS tăng nhờ năm nay lượng mưa lớn, mực nước ở các hồ chứa nhiều nên lượng điện sản xuất và cung ứng cho ngành điện tăng, kéo theo doanh thu tăng. Công ty CP Xi măng Đồng Lâm với thị trường trong tỉnh cũng như trong nước khá ổn định nên nguồn thu tăng đáng kể. Nguồn thu từ tiền sử dụng đất (SDĐ)cũng tăng đáng kể, với số thu tăng hơn 58% so với cùng kỳ, tương đương ở mức hơn 780 tỷ đồng, đạt 130% kế hoạch. Ngành Thuế dự ước cả năm nguồn thu từ tiền SDĐ khoảng 900 tỷ đồng, đạt 150% dự toán pháp lệnh và nhiệm vụ HĐND tỉnh giao.
Một số nguồn thu khác như tiền thuê đất, thuế bảo vệ môi trường đều tăng so với trước, song vẫn còn khá nhiều nguồn thu chưa đạt kế hoạch, trong đó, đáng lo ngại nhất là nguồn thu chủ lực của tỉnh từ Công ty TNHH TM Carlsberg Việt Nam giảm 20%, do sản lượng tiêu thụ bia giảm gần 10% so với cùng kỳ.
Cương quyết với các doanh nghiệp nợ thuế
Sản lượng tiêu thụ bia giảm dẫn đến doanh thu sụt giảm và số tiền nộp NS cũng giảm theo. Theo đó, số thu từ nguồn nộp NS của Công ty TNHH TM Carlsberg Việt Nam giảm khoảng 600 tỷ đồng theo pháp lệnh Bộ Tài chính giao. Đây là số tiền không nhỏ, nếu không có các nguồn thu khác ổn định, ngành thuế sẽ khó có thể bù hụt thu.
Theo ngành thuế, tình hình thu ngân sách năm 2018 và các năm tiếp theo sẽ còn khó khăn do việc kêu gọi đầu tư trên địa bàn chưa có chuyển biến tích cực, nhất là việc kêu gọi các DN lớn, DN sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có thể đem lại nguồn thu cho NS như phần mềm, linh kiện điện tử, lắp ráp ô tô… |
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, ông Phan Đình Công cho hay, ngành Thuế khá lo lắng với số hụt thu nêu trên, nếu không bù đủ, khả năng không đạt kế hoạch đề ra khá cao. Tuy thế, năm nay, nhờ nguồn thu từ tiền SDĐ tăng đột biến nên có thể bù được khoảng 300 tỷ đồng. Điều này có được là nhờ việc đấu giá đất một số khu quy hoạch, khu dân cư xen ghép đạt kết quả tốt, giá đấu cao hơn nhiều so với giá Nhà nước đưa ra nên NS có thêm nguồn thu đáng kể.
300 tỷ đồng hụt thu còn lại từ DN Bia Huế, ngành thuế cũng dự kiến sẽ bù được từ nguồn thu từ DN Trung ương, ngoài quốc doanh và thuế bảo vệ môi trường. Tuy thế, phải đến 31/12 ngành thuế mới thực hiện hoàn thành kế hoạch, trong khi các năm vừa qua, chỉ đến cuối tháng 11, NS đã thu đủ.
Một giải pháp khác đang triển khai là tăng cường công tác quản lý nợ thuế. Đến nay, đã thu được hơn 221 tỷ đồng nợ thuế và số nợ có khả năng thu hơn 197 tỷ đồng. Việc đốc thúc các DN nộp thuế theo quý đúng hoặc trước hạn cũng được chú trọng nhằm hoàn thành các chỉ tiêu thu thuế trong năm.
Ông Phan Đình Công cho rằng, ngành thuế dù chịu áp lực về chỉ tiêu để thu đủ NS, song vẫn tạo điều kiện cho những DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể phát triển; không phải vì hụt thu mà tận thu ở những nhóm đối tượng vừa nêu. Thay vào đó, tập trung chủ yếu ở DN chủ lực và các DN nợ thuế bằng việc thực hiện cương quyết giải pháp cưỡng chế nợ thuế. Từ đây đến cuối năm, ngành thuế sẽ thực hiện nhiều giải pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo số nợ thuế dưới 5% theo quy định của Bộ Tài chính.
Bài, ảnh: Huệ Tâm