Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Phú, xã Quảng An (Quảng Điền) thông tin, hệ thống kênh mương, đê bao nội đồng trên địa bàn bị hư hỏng, trong khi vụ lúa đông xuân đang đến gần. Ngay sau khi lũ rút, HTX triển khai kiểm tra hệ thống thủy lợi, đánh giá mức độ hư hỏng; đồng thời khẩn trương triển khai sửa chữa, gia cố tạm thời các công trình để sản xuất vụ lúa đông xuân

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, các trận lũ kép vừa rồi làm hư hỏng nhiều công trình thủy lợi tại các địa phương. Hầu hết các kênh mương xây dựng bằng bờ lô ở các HTX: Đông Phú, Đông Phước, Đông Vinh, Phú Thuận, Phú Hòa... đều bị nứt gãy, sạt lở. Nhiều tuyến đê như Nho Lâm- Nghĩa Lộ, An Xuân, bờ tả- hữu đê Diên Hồng, đê Đồng Lâm, hói chợ Nang... đều hư hỏng. Phương án của huyện Quảng Điền lúc này chỉ khắc phục, gia cố tạm thời các công trình bị hư hỏng.

Các địa phương, HTX huy động nguồn lực, triển khai khôi phục, nạo vét mương đất kịp thời sản xuất lúa đông xuân. Đầu năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ đề xuất huyện, tỉnh đầu tư sửa chữa, xây dựng kiên cố hóa các công trình. Riêng hệ thống đê, tỉnh đã có hướng đầu tư kiên cố, tuy nhiên trong năm 2017 mới cấp 3,4 tỷ đồng nên chỉ làm khoảng 20% khối lượng các công trình.

Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc nhận định, hầu như năm nào các công trình đê bao, thủy lợi trên địa bàn huyện cũng bị hư hỏng do lũ lụt. Điều đó cho thấy, chất lượng các công trình không đảm bảo trong điều kiện biến đổi khí hậu, lũ lụt ngày càng phức tạp. Nhiều công trình xây dựng lâu năm, xuống cấp kèm theo lũ chảy xiết, ngập dài  có thể kể đến như đê Bàu Sen, xã Lộc Tiến, đê Hậu Thác, xã Vinh Giang, đê bao nội đồng vùng Phước Tượng, đập Quan thuộc HTX Bắc Hà và một số đập dâng.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, các trận lũ lớn vừa qua làm tuyến đê tây phá Cầu Hai, đoạn qua xã Vinh Hà (Phú Vang) bị hư hỏng nặng với chiều dài 4,0km. Đê bao, đê nội đồng trên địa bàn huyện Phú Vang, như đê Thiệu Hóa dài 8,5 km, đê Diền Tụ, đê Vinh Hà, đê -kênh tiêu Phú Mỹ-Phú Dương, đê phân vùng Thuận An – Phú Thanh... bị sạt lở, xuống cấp trầm trọng.

Tại huyện Phong Điền, hói Hiền Lương, đê nội đồng xã Điền Hải, đê đội Hòa Viện – Phong Bình, đê nội đồng Cồn Đầm – xã Kế Môn, đê nội đồng Nhất Phong, đê nội đồng Hói Ngang... bị sạt lở. Trên địa bàn thị xã Hương Trà, hệ thống đê bao xứ đồng Tình Lang-Kim Bông-Bàu Bay, các tuyến đê bao nội đồng thuộc các xã Hương Toàn, Hương Vinh, Hương Phong, đê đông phá Tam Giang đoạn qua xã Hải Dương bị sạt lở. Hệ thống đê đập, các đập dâng, kênh mương trên địa bàn hai huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới và thị xã Hương Thủy cũng bị hư hỏng, sạt lở nặng. 

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trước mắt tỉnh chỉ đạo các địa phương, HTX chủ động trích kinh phí dự phòng ứng phó thiên tai để khắc phục tạm thời các công trình, đảm bảo sản xuất vụ lúa đông xuân. Sau đó, các huyện, thị xã lập phương án, trình tỉnh có biện pháp đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình lớn và vừa; các công trình nhỏ, hư hỏng nhẹ thì các địa phương chủ động khắc phục.

Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý-Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Ngay sau lũ, công ty huy động toàn bộ lực lượng, chủ động trích ngân sách để sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng. Đến nay hầu hết các công trình cơ bản được gia cố, sửa chữa, kịp thời vận hành phục vụ sản xuất lúa đông xuân.

Bài, ảnh: Hoàng Triều