Một người chăm sóc đang cười với cụ bà bị sa sút trí tuệ tại một trung tâm ở Ấn Độ. Ảnh: WHO / Cathy Greenblat

Mỗi năm gần 10 triệu người mắc bệnh sa sút trí tuệ

Chứng sa sút trí tuệ hay còn gọi là chứng mất trí bao gồm bệnh Alzheimer và các loại mất trí nhớ khác. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Mỗi năm có gần 10 triệu người mắc chứng bệnh sa sút trí tuệ, 6 triệu người trong số đó nằm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình”.

“Đây là một tiếng chuông cảnh báo chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến thách thức ngày càng lớn này và đảm bảo rằng tất cả những người mắc chứng sa sút trí tuệ, bất kể ở đâu, đều nhận được được chăm sóc cần thiết”, ông nói thêm.

Hệ thống giám sát chứng sa sút trí tuệ toàn cầu, một nền tảng dựa trên web do WHO đưa ra, có thể theo dõi những tiến triển trong việc cung cấp dịch vụ cho người mắc chứng sa sút trí tuệ và cho những người quan tâm đến họ không chỉ trong phạm vi các nước mà trên toàn thế giới.

Hệ thống này cũng sẽ giám sát sự hiện diện các chính sách và kế hoạch của các quốc gia; các biện pháp giảm rủi ro và cơ sở hạ tầng cung cấp sự chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

Tiến sĩ Tarun Dua, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Đây là hệ thống giám sát toàn cầu đầu tiên về chứng sa sút trí tuệ bao gồm một loạt các dữ liệu toàn diện. Hệ thống sẽ không chỉ giúp theo dõi được tiến bộ đạt được, mà quan trọng hơn là có thể xác định những khu vực thực sự cần hỗ trợ trong tương lai”.

Tiêu tốn hơn 800 tỷ đô la/năm

Theo WHO, chứng sa sút trí tuệ làm tốn khoản chi phí hàng năm khoảng 818 tỷ đô la, tương đương với hơn một phần trăm tổng sản phẩm quốc nội. Tổng chi phí bao gồm chi phí y tế trực tiếp, chăm sóc xã hội và tiền trả cho người chăm sóc.

Đến năm 2030, chi phí này sẽ tăng hơn gấp đôi, lên tới 2 nghìn tỷ đô la, một con số có thể làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội và áp đảo các dịch vụ y tế và xã hội, bao gồm các hệ thống chăm sóc dài hạn.

Đến nay, WHO đã thu thập dữ liệu từ 21 quốc gia và đến cuối năm 2018, dự kiến 50 nước sẽ đóng góp dữ liệu vào hệ thống này.

Trong số các quốc gia báo cáo số liệu, 81% đã thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức về sa sút trí tuệ hoặc giảm nguy cơ, 71% có kế hoạch hành động cụ thể đối với bệnh sa sút trí tuệ, 71% cung cấp hỗ trợ và đào tạo cho người chăm sóc và 66% có sáng kiến thân thiện với bệnh sa sút trí tuệ.

Tất cả các hoạt động này đều được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra trong Kế hoạch hành động toàn cầu về đáp ứng y tế công cộng đối với chứng sa sút trí tuệ 2017-2025. Bản Kế hoạch hành động cung cấp một kế hoạch hành động toàn diện cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, các tổ chức xã hội, những người mắc chứng sa sút trí tuệ và cả những người chăm sóc của họ.

Ngọc Hà (dịch từ UN News)