Nhớ những năm trước, sông Bồ sau đón dòng nước từ thượng ngàn đổ xuống, nước theo các con rào leo xăm xắp những cánh đồng. Trong làng chộn rộn tiếng kẻng báo động, ngoài đồng cũng rộn ràng tiếng chim muông bay về kiếm ăn, nhiều nhất là cò, vạc.

Cò, vạc đậu trắng đồng, cây si già, tán rộng, rũ bóng xuống dòng sông như vơi bớt phần cô độc bởi sự “ồn áo, náo nhiệt” của những vị khách không mời mà đến. Cò, vạc kiếm ăn quanh đồng, cá dưới sông bơi ngược dòng nước; dế, châu chấu, ếch nhái dồi dào trở thành thức ăn cho những đàn cò, vạc.

Ngày kiếm ăn, tối cò bay về đậu trên cây si già. Trong đêm, xã hội của loài chim mới phức tạp làm sao! Đó là tiếng chim kêu thất thanh khi lỡ chân đậu phải “cánh mềm”; chim bố, chim mẹ hốt hoảng khi không tìm thấy những đứa con non nớt; chúng “cãi cọ” nhau vì tranh giành chỗ ngủ hay vì miếng mồi bị kẻ khác cướp mất,… cứ thế suốt đêm trên cánh đồng làng, cò, vạc huyên náo cả một vùng trời…

Thời ấy, dân làng mảy may không đụng đến cò, vạc, mặc kệ chúng ngoài đồng bởi còn lo chống chọi với con nước; lo kê giường, kê tủ, kê bếp, lo sống qua cơn lũ. Người ta còn mong được nghe tiếng “cãi cọ”, tiếng kêu của lũ cò, lũ vạc trong đêm để vơi bớt nỗi buồn khi chứng kiến cảnh tối mịt không ánh đèn điện. Cứ như thế, chim muông bình an sống với con người.

Mấy năm nay, cánh đồng làng buồn thiu, cây si già phủ bóng cả một đoạn sông cũng không còn tồn tại như trước. Thi thoảng, đàn cò cũng bay về chốn cũ nhưng cứ lượn lờ rồi bay đi vì không có chỗ đậu. Chúng bay đi và không bao giờ trở lại! Những  năm làng không có lũ, tôm cá cũng không đủ sức ngoi lên bờ đẻ trứng. Thiếu thức ăn, lũ cò, vạc phải bỏ cánh đồng mà đi. Con người vì thế không còn trân quý sự ồn ào của loài chim trong đêm. Thịt chim trở thành đặc sản trên bàn nhậu. Trên cánh đồng giờ đây, bẫy lưới giăng đầy...

Năm nay, qua mấy bận lụt nhưng cánh đồng làng không còn cảnh cò về đậu trắng như ngày xưa, may mắn lắm mới thấy một cánh cò chao nghiêng, cô đơn kiếm ăn chung với đàn vịt chạy đồng rồi đột ngột vỗ cánh bay đi.

Đêm, chỉ còn tiếng máy cày đất vọng vào làng!

Hoài Nhân