Đạo lý “Lá lành đùm lá rách” đã được phát huy và đem lại hiệu quả trong đời sống xã hội thông qua cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Phong trào “Nhường cơm sẻ áo” giúp đỡ người nghèo và các đối tượng xã hội được chính quyền, các đoàn thể và nhân dân chăm lo với nhiều hình thức, giải pháp tích cực, như: đóng góp hỗ trợ vốn, hỗ trợ công lao động, phương tiện kỹ thuật để giúp các hộ nghèo có điều kiện tập trung đầu tư sản xuất, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hội thi gia đình hạnh phúc. Ảnh: Châu Hải

Mô hình gia đình ít con được nhiều địa phương triển khai và nhân rộng. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên đã giảm đáng kể, tạo kiện thuận lợi để nuôi dạy con cái học hành thành đạt, phát triển kinh tế.

Nét nổi bật trong phong trào xây dựng GĐVH còn thể hiện trong ý thức vệ sinh môi trường. Việc giáo dục ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích, danh thắng được các địa phương chú trọng triển khai khá đồng bộ và thường xuyên, được nhiều nơi đưa vào quy ước xây dựng làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa để theo dõi và làm cơ sở, tiêu chí bình xét GĐVH hàng năm. Nhờ vậy, hệ thống đường làng ngõ xóm, môi trường cảnh quan ngày càng được các hộ gia đình tham gia chỉnh trang, vấn đề xử lý nước thải, rác thải được thực hiện tích cực, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.
Thúc đẩy kinh tế phát triển
 
Theo bà Lê Thùy Chi, xây dựng GĐVH là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tiềm năng và sức mạnh nội lực của mỗi gia đình. Nhiều hộ đã chủ động đầu tư vốn, trí tuệ, công sức để phát triển sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống.
 
Tiêu biểu là các mô hình trang trại kết hợp chăn nuôi tại huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà. Đã xuất hiện nhiều ông chủ trang trại nông dân có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hay mô hình trồng trọt - nuôi trồng thủy sản ở các địa bàn vùng đầm phá ven biển, mô hình xây dựng xưởng chế biến tiêu thụ nông sản, mô hình liên kết kinh doanh, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm ở TP Huế, Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền... Đặc biệt, nhiều hộ gia đình ở nông thôn đã đầu tư vốn mở doanh nghiệp nhằm giải quyết công ăn, việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng cho gia đình. Nhiều gương hộ gia đình điển hình trong phong trào làm kinh tế, như: gia đình ông Ngô Thanh Trân (xã Phong Mỹ, Phong Điền) khá lên nhờ trồng trọt, chăn nuôi; gia đình ông Phan Thắng (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) đánh bắt thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao; gia đình ông Nguyễn Hoài Nam (xã Hồng Hạ, huyện A Lưới) ổn định nhờ kết hợp giữa làm vườn, chăn nuôi, trồng rừng…
 
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các gia đình đã tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới như góp tiền, ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng. Đến nay, có 73,96% đường trục xã, liên xã được trải nhựa hoặc bê tông; 53,23% đường trục thôn, xóm được cứng hóa; 43,29% đường ngõ, xóm được bê tông hóa. Toàn tỉnh có 500 công trình thủy lợi vừa và nhỏ đảm bảo tưới tiêu chủ động cho 90% diện tích canh tác, 680 nhà sinh hoạt cộng đồng cùng nhiều công trình phúc lợi khác được các hộ gia đình tham gia đóng góp xây dựng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cảnh quan đô thị.
 
Sau 5 năm triển khai (2007-2012), phong trào xây dựng GĐVH trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 239.686/250.081 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 95,8%. Trong đó có 209.944 gia đình được UBND xã, phường, thị trấn công nhận, đạt tỷ lệ 87,6% so với đăng ký.
Nguyệt Tú