Hiện nay, tỉnh ta xây dựng đội ngũ BCV pháp luật với 68 BCV cấp tỉnh và 186 BCV cấp huyện. Đội ngũ BCV pháp luật được củng cố, kiện toàn thường xuyên theo nguyên tắc bảo đảm số lượng hoạt động và chất lượng ngày càng được nâng cao. Có thể nói, điều kiện hoạt động của họ phần lớn còn nhiều khó khăn. Đa phần BCV pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ phải tự túc về phương tiện đi lại, dù địa điểm tổ chức có lúc ở các vùng sâu, vùng xa, trang thiết bị hỗ trợ thiếu thốn, chế độ thấp... Thế nhưng, vượt qua tất cả, nhiều BCV đã không ngại khó, ngại khổ, tham gia tuyên truyền pháp luật hết sức tích cực. Nhiệt huyết của họ không chỉ dừng ở đó mà còn thể hiện ở tinh thần trách nhiệm đối với công việc. Đó là sự rèn luyện, học tập không ngừng để hoàn thiện các kỹ năng tuyên truyền pháp luật, sự đầu tư vào nội dung bài giảng, sẵn sàng áp dụng phương pháp giảng mới. Tất cả chỉ với mong muốn là truyền tải được tốt nhất các quy định pháp luật đến với người dân, đưa pháp luật đi vào cuộc sống, hướng đến xây dựng một xã hội “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
 
Nhiệm vụ không của riêng ai
 
Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của báo cáo viên pháp luật” năm 2013
 
Từ các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đến quy định pháp luật của Nhà nước đều ghi nhận và khẳng định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị. Vì vậy, đội ngũ BCV pháp luật cũng được xây dựng ở tất cả các ngành nhằm đáp ứng nhu cầu tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo từng lĩnh vực chuyên sâu. Tuy nhiên, có một thực tế là còn một số lãnh đạo các cấp, các ngành còn nhận thức công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ riêng của ngành tư pháp. Do đó, thường “khoán trắng” công tác này cho cơ quan tư pháp các cấp, và “bỏ quên” lực lượng BCV pháp luật của cơ quan mình. Từ đó dẫn đến hệ quả, BCV cơ quan tư pháp chịu áp lực công việc rất lớn, trong khi đó, một số BCV pháp luật khác có những hạn chế do không được chú trọng và phát huy năng lực thường xuyên; trong một số trường hợp còn mang tính hình thức, BCV chỉ là danh nghĩa trên quyết định. Chất lượng BCV nhìn chung chưa đồng đều. Có những BCV có kỹ năng tuyên truyền tốt, truyền cảm, được người nghe đánh giá cao, mang lại hiệu quả tuyên truyền pháp luật thiết thực. Bên cạnh đó, không ít BCV còn thiếu các kỹ năng cần thiết về tuyên truyền miệng pháp luật; phương pháp xây dựng đề cương tuyên truyền hấp dẫn;...
 
Trong công tác quản lý nhà nước đối với BCV pháp luật hiện nay cũng chưa bảo đảm. Kể từ khi Thông tư số 18/2010/TT-BTP ngày 5/11/2010 của Bộ Tư pháp được ban hành và có hiệu lực thi hành, sau khi UBND tỉnh có quyết định công nhận và cấp thẻ BCV pháp luật, đến nay, chưa có trường hợp nào được công nhận mới hay bị thu hồi thẻ BCV pháp luật. Hoạt động của BCV pháp luật còn bị động, cơ quan quản lý Nhà nước chưa nắm được thông tin về tình hình hoạt động của BCV một cách thường xuyên.
 
Xây dựng đội ngũ BCV pháp luật đi vào thực chất
 
Lý giải về những hạn chế trong hoạt động của BCV pháp luật hiện nay, nhiều ý kiến thống nhất, chính sự thiếu quan tâm về điều kiện làm việc, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng và vai trò của BCV pháp luật nên một số mặt trong công tác quản lý nhà nước còn bỏ ngỏ, chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của họ. Để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ BCV pháp luật của tỉnh, cần tập trung vào các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thực chất của BCV. Thực tế cho thấy, không phải người nào cũng đủ khả năng và “dám” làm BCV pháp luật. Để vượt qua áp lực khi đứng trước công chúng, BCV cần có bản lĩnh, kinh nghiệm nhất định, kiến thức chuyên môn vững vàng và vốn hiểu biết xã hội sâu rộng. Có thể nói, để làm BCV pháp luật, phải có thời gian trải nghiệm và tích lũy kiến thức, vốn sống. Do đó, việc lựa chọn người thật sự có đủ điều kiện làm BCV pháp luật phải được chú trọng, tránh mang tính hình thức. Đồng thời, cũng cần nhìn nhận đúng giá trị của BCV pháp luật để xây dựng chế độ, chính sách đối với với họ hợp lý và mang tính ràng buộc cao hơn, ví dụ như chế độ phụ cấp kiêm nhiệm và yêu cầu cụ thể về chất lượng, số lượng hoạt động. Với quy định này, BCV sẽ phải có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, không còn tình trạng né tránh, đùn đẩy nhiệm vụ.
 
Bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra hoạt động của đội ngũ BCV, phát hiện kịp thời những sai phạm, khó khăn, vướng mắc để khắc phục, chấn chỉnh; chú trọng kiện toàn và bổ sung những nhân tố mới để phát triển đội ngũ BCV pháp luật, góp phần đẩy nhanh công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Thanh Hải - Nguyễn Đào