Hiện 21 tuổi, năm 2008, Đ. bị Công an TP. Huế xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức “cảnh cáo” về hành vi trộm cắp tài sản; năm 2010, bị Chủ tịch UBND TP. Huế ra quyết định đưa vào Trường giáo dưỡng 24 tháng, vì nhiều lần có hành vi đánh người và trộm cắp tài sản; năm 2014, bị TAND thị xã Hương Thủy xử phạt 7 tháng tù về tội “cướp giật tài sản”; năm 2017, Đ. lại bị Công an TP. Huế xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng, về hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác; 1 tháng sau, thanh niên này lại tiếp tục bị phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng về hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản.

Bỏ học từ năm lớp 6, lêu lổng, không nghề nghiệp và đã nhiều lần thực hiện hành vi trộm, cướp lấy tiền tiêu xài và đã không thoát lưới pháp luật. Vậy nên lần này, Đ. thực hiện chiêu thức phạm tội mới, tinh vi hơn. Đ. nghĩ ra cách tạo một địa chỉ facebook cá nhân có tên “Vũ Lân” và đăng tải thông tin với nội dung đổi tiền giả lấy tiền thật, với tỷ lệ 1 triệu đồng tiền Việt Nam thật sẽ mua được 7 triệu đồng tiền Việt Nam giả trên trang facebook chính “Rao vặt Đông Hà Quảng Trị”, nhưng thực tế Đ. không có tiền giả.

Đ. sử dụng 2 số điện thoại di động khác nhau, trong đó có 1 số  đăng lên trang facebook để người mua hàng liên hệ. Số điện thoại này nếu có người gọi đến Đ. không nghe máy, sau đó dùng số điện thoại còn lại gọi cho người mua. Khi hai bên giao dịch, nếu người mua muốn kiểm tra hàng thì Đ. sẽ lấy lý do mình chỉ là người đi giao hàng và yêu cầu người mua phải liên lạc với người bán hàng qua số điện thoại được đăng trên facebook, mục đích là để không bị phát hiện và làm cho người mua tin tưởng.

Ngày 9/5/2017, chị Lê Thị D. đã liên hệ với Đ. thông qua facebook để mua hàng. Sau khi giao dịch qua mạng, Đ. đã đi mua nhiều tờ tiền âm phủ, dùng băng keo màu vàng dán nhiều lớp bên ngoài, tạo thành một gói hàng và hẹn gặp chị D. tại khu vực trước chợ Tây Lộc để trực tiếp giao dịch, mua bán. Chị D. nhận gói hàng rồi giao cho Đ. 1 triệu đồng. Trong lúc chị D. đang mở gói hàng để kiểm tra, thì Đ. điều khiển xe mô tô bỏ đi. Phát hiện bọc hàng là tiền âm phủ, chị D. vứt lại bên đường. 1 triệu đồng chiếm đoạt được Đ. tiêu xài cá nhân hết.

Sau khi biết mình bị lừa, chị D. tiếp tục lên trang facebook “Rao vặt Đông Hà Quảng Trị”, đóng giả là một khách hàng khác để tìm cách liên hệ với Đ. Cũng với nội dung, cách thức và địa điểm giao dịch như lần trước, nhưng lần này chị D. đã báo trước cho cơ quan công an. Khi Đ. đến điểm hẹn giao hàng thị bị phát hiện, bắt giữ. Bố mẹ của bị cáo đã thay con bồi thường 1 triệu đồng cho người bị hại.

Tòa nhận định, mặc dù số tiền mà bị cáo chiếm đoạt lần này là 1 triệu đồng, nhưng trước đó  bị cáo bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, bị cáo lại tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản, nên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Do đó, bị cáo bị truy tố, xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi phạm tội của bị cáo làm ảnh hưởng xấu đến an toàn, trật tự xã hội. Mặt khác, bị cáo là người có nhân thân rất xấu, mà vẫn tiếp tục phạm tội nên phải xử lý thật nghiêm khắc.

Theo những người làm công tác xét xử, từ vụ án này có rất nhiều điều cần cảnh báo. Nếu tiền bị cáo đưa đến trao đổi với chị D. là tiền giả (chứ không phải tiền âm phủ) thì chị D. cũng sẽ đứng trước vành móng ngựa, bị xử lý hình sự vì hành vi mua, bán, lưu hành tiền giả (chứ không may mắn là người bị hại như trong vụ án này). Đồng thời, bất cứ ai cũng cần thận trọng khi giao dịch, mua bán thông qua mạng xã hội facebook, tránh trở thành “con mồi” của tội phạm hình sự.

Duy Trí