Hình ảnh người tị nạn trên đường đến châu Âu. Ảnh: Watching America

Nguy hiểm rình rập

Cụ thể, trong rất nhiều hiểm họa trên đường đến châu Âu, phụ nữ mang thai phải đối mặt với nguy cơ lao lực, bạo lực từ những kẻ buôn lậu và khả năng nhiễm các bệnh nghiêm trọng do thiếu dịch vụ chăm sóc phụ khoa, trong khi trẻ em gặp phải các vấn đề khác như: suy dinh dưỡng, chết đói và thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết. Trong nhiều trường hợp, có những trẻ em sơ sinh phải bỏ mạng trên đường đi tị nạn, hoặc không được hưởng bất kỳ quyền công dân nào khi đến sinh sống tại các quốc gia châu Âu. Đây là vấn nạn thường xuyên xảy ra, khi luật công dân của hầu hết các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào dòng máu mà không phải nơi sinh. Về lâu dài, điều này có thể tạo ra một thế hệ trẻ em không quốc tịch, không quyền chăm sóc sức khỏe và giáo dục trong tương lai.

Hiện nay, số người tị nạn là phụ nữ mang thai đang ngày càng tăng, buộc các tổ chức phi chính phủ phải nhanh chóng phân bổ một lượng lớn tình nguyện viên là nữ hộ sinh, cùng lúc bổ sung nhiều kế hoạch khác trong các sứ mệnh liên quan đến việc hỗ trợ tối đa cho người tị nạn.

Charlotte Hyest, cựu đại diện truyền thông khẩn cấp cho Hội Chữ thập đỏ ở Hy Lạp cho biết: “Hành trình tìm nơi ở của người dân tị nạn ở các quốc gia khác chưa bao giờ khó khăn như tại đất nước của chúng tôi”.

Gần một nửa dân số tị nạn ở châu Âu có nguồn gốc từ Syria - nơi nội chiến kéo dài đã tàn phá đất nước và tạo ra 4,8 triệu người tị nạn vô tội. Liên Hợp Quốc ước tính có 6,6 triệu người buộc phải hứng chịu những ảnh hưởng của bạo lực nội bộ và cứ trong ba trẻ em Syria sẽ có một người chưa bao giờ được biết đến thời bình. Bên cạnh đó, có ít nhất 250.000 đến 470.000 người dân Syria đã thiệt mạng trong 5 năm qua.

Trong những năm gần đây, người tị nạn đã sử dụng rất nhiều phương pháp để chạy trốn đến các vùng đất an toàn. Tuy nhiên, di cư tị nạn bằng thuyền buôn lậu là cách thức phổ biến nhất và nguy hiểm nhất. Cụ thể, gần 4.000 người đã thiệt mạng khi cố gắng đến châu Âu bằng thuyền vào năm 2015.

Tổ chức phi chính phủ Bác sĩ không biên giới (MSF)cho hay, có rất nhiều phụ nữ mang thai, người già và trẻ em đã được cứu sống trên các thuyền tị nạn. Vì thiếu kiến thức, nên phần lớn các bà mẹ mang thai vẫn cố gắng mạo hiểm đến các quốc gia châu Âu với hi vọng sẽ tìm kiếm được cuộc sống ổn định cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, những nhóm người này thường phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như bạo lực, lạm dụng hoặc suy kiệt với mức độ nghiêm trọng hơn, trong khoảng thời gian đợi quá cảnh ở các bãi biển thuộc Hy Lạp và Ý - nơi người tị nạn phải thực hiện rất nhiều thủ tục như chụp ảnh, lăn dấu vân tay... trước khi tiếp tục cuộc hành trình đến các quốc gia thuộc khu vực châu Âu hoặc Bắc Âu.

Thêm vào đó, khi Macedonia đóng cửa biên giới vào ngày 22/2/2016, nhằm chặn đứng dòng chảy người di cư từ Trung Đông qua Hy Lạp đến châu Âu, dòng người tị nạn đã bị kẹt lại với số lượng lớn trong nhiều ngày, dẫn đến tình trạng bạo loạn bùng nổ.

Hướng giải quyết thích hợp

Đối mặt với vấn nạn này, các nhà lãnh đạo châu Âu đã triển khai những cuộc thảo luận, nhằm nhìn lại cách tiếp cận đối với các chính sách tị nạn. Để giải quyết thách thức, đẩy mạnh sự tiếp cận của người tị nạn đối với các dịch vụ y tế, tăng điều khoản hỗ trợ đối với các loại thực phẩm, sữa đặc biệt cho trẻ sơ sinh cũng như lồng ghép công tác thu thập ý kiến của người tị nạn châu Âu là những phương pháp tất yếu cần được triển khai trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, cần khẩn trương thiết lập các cơ sở y tế và dịch vụ chăm sóc chuyên sâu cho phụ nữ mang thai các quốc gia quá cảnh như Hy Lạp, nhằm đảm bảo sự an toàn của các bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, biện pháp tối ưu nhất để bảo vệ nhóm người tị nạn dễ bị tổn thương là cho phép và thúc đẩy công tác nhập cư thông qua đường lối pháp lý công bằng, hiệu quả thay vì ngăn chặn toàn bộ sự tiếp cận của người tị nạn đến khu vực châu Âu.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Ib Times)