Một chú rùa bị kẹt trong đám rác nhựa được kênh Blue Planet II ghi hình. Ảnh: BBC

Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP), cơ quan tổ chức cuộc họp trên cho biết nếu tỷ lệ ô nhiễm hiện tại vẫn duy trì như hiện nay, thế giới sẽ có nhiều rác thải nhựa trên biển hơn cả cá vào năm 2050.

Tám triệu tấn nhựa, gồm chai lọ, bao bì và các chất thải khác - được tống xuống biển mỗi năm, giết chết hàng loạt sinh vật biển và xâm nhập cả vào chuỗi thức ăn của con người. Với tình hình đó, WWF cho biết thế giới đang trong tình trạng "khủng hoảng toàn cầu".

Theo nghị quyết được ký bởi 193 thành viên của LHQ, các quốc gia đã đồng ý bắt đầu theo dõi lượng rác thải nhựa họ đổ vào đại dương và tiến hành các nỗ lực hợp pháp hóa các quy định cấm đổ rác thải trong biển.

Hàng năm có đến 8 triệu tấn m3 rác thải nhựa bị đổ xuống biển. Ảnh: BBC

Riêng nước Anh gần đây đã thực hiện một số biện pháp để giảm rác thải nhựa, bao gồm đánh phí 5 bảng Anh cho mỗi túi nhựa và đưa ra lệnh cấm đối với hạt vi nhựa (mircrobeads). Michael Gove, Thư ký Môi trường của nước này cũng đang cân nhắc việc tái thiết lập các ngân hàng chai (bottle bank) để khuyến khích người dân tái chế chai nhựa.

Thủ tướng Theresa May của Anh cũng cho biết trong tuần này nguồn viện trợ nước ngoài của nước này sẽ được chuyển hướng để hỗ trợ cho các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm rác thải nhựa.

Bộ trưởng Môi trường Na Uy, Vidar Helgesen, nói với Reuters: "Ngôn từ được sử dụng trong nghị quyết rất mạnh mẽ. Giờ thì chúng ta có một thỏa thuận để tạo điều kiện cho các ràng buộc pháp lý và các biện pháp khác sẽ được thực hiện ở quy mô quốc tế trong 18 tháng tới."

Nauy, quốc gia đã đề xuất nghị quyết trên, hiện đã phải chứng kiến và gánh chịu những thiệt hại do tình trạng ô nhiễm này gây ra.

Rác thải nhựa có mặt ở hầu hết tất cả các bãi biển và thậm chỉ ở những vùng sâu thẳm nhất của các đại dương. Ảnh: Imas/Jennifer Lavers Handout

Ông Helgesen cho biết thêm: "Chúng tôi đã tìm thấy các chất nhựa siêu nhỏ bên trong những con sò - thứ mà chúng tôi rất thích ăn.”

"Vào tháng Giêng năm nay, một con cá voi thuộc loài hiếm đã bị mắc kẹt trên bãi biển vì kiệt sức và người ta buộc phải giết nó. Trong bụng của con cá, họ tìm thấy 30 chiếc túi ni lông.”

Người đứng đầu UNEP Erik Solheim cho biết điều quan trọng cuối cùng là chúng ta muốn thấy các chính phủ đưa ra lệnh các lệnh cấm và yêu cầu về thiết kế lại một số loại bao bì, vật dụng, chẳng hạn như các loại ống hút.

"Hãy loại bỏ các sản phẩm mà chúng ta không cần đến... nếu bạn đến các điểm du lịch như Bali thì có thể thấy rằng một lượng lớn chất thải nhựa được lấy lên từ biển là ống hút."

Mới đây, 39 chính phủ cũng tuyên bố những cam kết mới trong việc cắt giảm lượng rác thải nhựa đổ vào biển.

Tiến sĩ Lyndsey Dodds, Người đứng đầu Cơ quan Chính sách Biển tại WWF nói: "Chúng ta đang ở trong tình trạng khủng hoảng toàn cầu. Các đại dương và bãi biển của chúng ta đang ngập ngụa trong rác thải nhựa, và với việc ngày càng có nhiều người tiêu thụ các sản phẩm nhựa, thì tình trạng này chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn. Những gì chúng ta cần là một cam kết toàn cầu đủ mạnh mẽ và tham vọng để loại bỏ rác thải nhựa đi vào các đại dương".

Thế Vĩnh (Lược dịch từ Telegraph)