Thu nhập tốt

Tháng 10/2015, thanh niên Ngô Trung từ Hàn Quốc trở về, hoàn tất kỳ hạn 3 năm đi XKLĐ, với mức lương 30- 40 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ 100 triệu đồng ký quỹ và làm các thủ tục để XKLĐ, anh Trung cầm trong tay gần 1 tỷ đồng- số vốn lý tưởng cho một thanh niên khởi nghiệp. Trung dùng số vốn đó đầu tư mô hình vườn- ao- chuồng kết hợp với kinh doanh dịch vụ. Hiện mô hình kinh tế của anh đã đi vào hoạt động ổn định, cho thu nhập mỗi tháng gần 20 triệu đồng. “Nhờ đi XKLĐ, tôi đã có vốn để thực hiện ước mơ từ lâu là thành lập trang trại. Giờ tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại”, Trung chia sẻ.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tư vấn XKLĐ cho ĐVTN

Cách đây 3 năm, gia đình anh Hà Văn Mãi ở tổ 4, phường Hương Chữ (thị xã Hương Trà) có con đi  XKLĐ tại Nhật Bản. Để có điều kiện cho con đi, ngoài vay vốn từ ngân hàng, gia đình vay thêm từ người thân với tổng số tiền khoảng 200 triệu đồng. Sau khi sang Nhật Bản, con trai anh được làm việc trong môi trường tốt, đúng với ngành nghề trong hợp đồng. Với mức lương được trả theo khối lượng sản phẩm, dao động khoảng 50 triệu đồng/tháng, chỉ sau một năm gia đình anh Mãi đã trả hết số nợ vay ban đầu và mua sắm các thiết bị hiện đại phục vụ sinh hoạt. Hiện con trai anh Mãi vẫn đang làm việc tại Nhật Bản sau khi đã xin gia hạn hợp đồng.

Thanh niên Nguyễn Văn Phúng ở thôn Tô Đà, xã Thuỷ Tân (thị xã Hương Thuỷ) đang lúc không có nghề nghiệp ổn định, thấy có người thân đi Ăng-gô-la làm ăn khấm khá, anh tìm hiểu kỹ rồi quyết định làm thủ tục XKLĐ sang đất nước này. Làm việc chăm chỉ, cần cù, anh đã có của ăn của để. Sau 10 năm làm ăn ở xứ người, số tiền dành dụm được kha khá nên vợ chồng anh quyết định về nước ổn định cuộc sống. Anh Phúng đã đầu tư mua xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận chuyển và hiện vợ chồng anh đã ổn định với công việc này.

XKLĐ đang là hướng đi giúp thanh niên nông thôn phát triển kinh tế hiệu quả, thu nhập cao hơn so với lao động phổ thông trong nước. Tuy nhiên, số thanh niên nông thôn tham gia XKLĐ trong những năm qua chưa nhiều. Năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 207 thanh niên đi XKLĐ thành công và năm nay là 350 thanh niên. Dù tăng hàng năm nhưng so với nguồn lực lao động trong tỉnh thì chưa tương xứng. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng này là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành với các đơn vị có chức năng XKLĐ trong công tác tuyên truyền, kết nối cung – cầu, tuyển chọn lao động… Ngoài ra, người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả của công tác XKLĐ, nhất là những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và dân tộc thiểu số. Tâm lý của nhiều thanh niên vẫn muốn tham gia các thị trường có mức thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhưng những thị trường này đòi hỏi trình độ cao, số lượng ít, chi phí lớn, trong khi khả năng đáp ứng của người lao động còn có hạn.

Cầu nối thông tin

Thông qua các kênh thông tin của Đoàn Thanh niên như Website, tài liệu sinh hoạt Đoàn - Hội, các chương trình tư vấn hướng nghiệp, nhiều học sinh, thanh niên nắm bắt kịp thời các thông tin về XKLĐ. Ngoài ra, mỗi đơn vị Đoàn đều có kế hoạch, đề án cụ thể đối với công tác XKLĐ; thực hiện phân loại thanh niên trong độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, từ đó có hướng tư vấn thích hợp. Anh Nguyễn Văn Cường, Bí thư Xã đoàn Phong Thu (huyện Phong Điền) cho biết: “Đối với các thanh niên có nhu cầu tham gia XKLĐ, Xã đoàn đã tư vấn, giới thiệu nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ làm mọi thủ tục hành chính để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ. Thời gian tới, Xã đoàn sẽ mời những người đã thành công từ việc đi XKLĐ cùng tham gia tư vấn để tăng tính khách quan”.

Huyện đoàn Phong Điền đang tiến hành rà soát các đối tượng thanh niên nông thôn để nắm tình hình việc làm, các nhóm thuộc chính sách hỗ trợ khi đi XKLĐ để tư vấn, giới thiệu theo từng gói lao động. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh, các công ty XKLĐ tổ chức các sàn giao dịch việc làm cho thanh niên. Năm 2017, Huyện đoàn đã giới thiệu được 20 thanh niên đi XKLĐ chủ yếu ở Nhật và Hàn Quốc. Hiện 25 thanh niên khác đang hoàn thiện hồ sơ để tham gia XKLĐ.

Tại thị xã Hương Thuỷ, Thị đoàn đã phân công Bí thư Xã đoàn phụ trách công tác XKLĐ và giới thiệu một cán bộ Thị đoàn làm công tác giới thiệu lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, tổ chức hội nghị, hội thảo cho ĐVTN ở các xã, thị trấn, qua đó, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp đã thông tin những chính sách khi tham gia XKLĐ; đại diện gia đình có người đi XKLĐ cũng thông tin về tình hình lao động và hiệu quả khi đi làm việc ở nước ngoài...

Anh Nguyễn Duy Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết, đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên phối hợp chặt chẽ với 9 huyện, thị, Thành đoàn, các đơn vị Đoàn trường trong việc tư vấn ĐVTN, học sinh tiếp cận thị trường XKLĐ. Đồng thời, các đơn vị Đoàn cũng vận động ĐVTN tham gia các phiên, sàn giao dịch việc làm, các phiên, sàn tuyên truyền về XKLĐ... để tìm hiểu và an tâm, tin tưởng tham gia XKLĐ”.

Hải Thuận