Sau hơn 10 năm làm nghề ở Lào, trong những lần qua về thăm quê, ông Thai nhận thấy sản phẩm này vẫn chưa có mặt ở Huế và gần như chưa có ai quan tâm mở xưởng. Thế là ông trở về quê hương và bắt đầu lại với nghề làm thùng rác từ đồ phế thải.

Tuy là đồ phế thải, nhưng để có được nguyên vật liệu làm ra sản phẩm, ông phải tìm đến các cơ sở chuyên sửa chữa ô tô để thu mua vỏ lốp hư hỏng. Thu mua về, công đoạn đầu tiên là dùng dao bào mòn gai lốp, cắt bỏ phần vòng dây thép chạy quanh chu vi của lốp (phần này được tận dụng làm chân đế thùng rác). Sau đó, đem lộn ngược chiếc lốp cho phần gai ngoài đã được bào mòn vào trong và phần trong láng mịn ra ngoài. Để có một thùng rác hoàn chỉnh, chỉ cần khoảng 1,5 chiếc lốp sau khi đã được “sơ chế", ông Thai bắt đầu liên kết, tạo hình vỏ lốp thành trái hồ lô hay ấm trà, có nắp đậy và được gắn các múi nối bằng các con vít sắt. Dưới mỗi đáy thùng được đục khoảng 3 lổ nhỏ giúp thoát nước rỉ rác. Tuy không khó, nhưng mỗi công đoạn đều được làm thủ công, đòi hỏi sức tay và sự khéo léo của người thợ. Nói về tuổi thọ của thùng rác, ông Thai khá tự tin: “Chỉ sợ những con vít hoen rỉ, còn lại cao su là không biết lúc nào hỏng”. Ông Thai cho biết, nếu có đơn đặt hàng, bình quân mỗi ngày ông có thể làm ra được 5 thùng rác.

Chỉ mới làm hơn 1 tháng, cơ sở nhỏ đóng tại nhà của ông Thai đã bán được gần 20 thùng rác cho người dân sống cùng xóm, ở Huế và Phú Lộc.

Ông Thai kể, nhiều người đi đường khi ngang qua đoạn Km23 Quốc lộ 1A khá tò mò và thích thú với những thùng rác hình thù lạ mắt được đặt trước cổng một số gia đình nên đã hỏi dò tìm đến địa chỉ của ông. Vì thấy lạ mắt, nên một số khách qua đường ở Huế, Phú Lộc không chần chừ ghé mua về dùng. Thùng rác có đường kính khoảng 60cm, cao khoảng 80cm được ông bán với giá 250 nghìn đồng. Thùng có kích cỡ nhỏ hơn được bán 230 nghìn đồng. Trừ các chi phí vỏ lốp, ốc vít, đinh..., bình quân mỗi thùng rác ông kiếm lời được khoảng 70-80 nghìn đồng.

Một số khách hàng chia sẻ, mức giá này thực ra không cao so với tuổi thọ sử dụng, tính thẩm mỹ, thân thiện với môi trường và công sức của người làm ra. Nếu so với giá thành các loại thùng bằng kim loại, nhựa đang bán trên thị trường, giá của thùng rác cao su của ông Thai vẫn rẻ hơn. Thùng rác từ vỏ lốp cao su chịu được va đập, không bị rỉ, gãy vỡ, hao mòn, hư hỏng do tác động của môi trường cũng như chất thải có hại gây ra.

Theo một số người dân ở xã Phong An, bình quân 2- 3 ngày xe thu gom rác đi thu gom vận chuyển một lần. Trong thời gian này, nếu để rác trong nhà dễ phát tán mùi hôi, ô nhiễm, dễ sinh bệnh. Nên, từ khi sử dụng thùng rác có nắp đậy kín đã không phát tán mùi hôi, không lo chuột bọ cắn, phá rác. Mỗi lần xe rác đến thu gom, lao công hoặc người nhà chỉ cần xách từng túi rác trong thùng đưa lên xe rất thuận tiện.

Thùng rác này không chỉ hạn chế bỏ phí lốp phế thải ra môi trường mà còn giúp hạn chế ô nhiễm cục bộ và làm đẹp thêm "mặt tiền" cho nhiều gia đình thay bằng nếu đặt một thùng rác nhếch nhác, thiếu thẩm mỹ bên vệ đường, trước mặt nhà.

Ngoài tận dụng vỏ lốp phế thải làm thùng rác, ông Thai còn làm thêm những chậu hoa khá đẹp mắt, chắc chắn để phục vụ cho những người mê chơi cây cảnh muốn thay đổi loại chậu trồng.

Hoài Nguyên