Các tín đồ ngồi bên ngoài một khu vực mà người đạo Hồi gọi là "Thánh địa", còn người Do Thái gọi là Núi Đền ở Jerusalem - Ảnh: REUTERS
Dự thảo này là tài liệu một trang do Ai Cập trình lên HĐBA gồm 15 nước (thường trực và không thường trực) hôm 16-12, kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.
Nội dung dự thảo mà hãng tin Reuters thu thập được có đoạn viết: "… khẳng định bất kỳ quyết định hay hành động nào mang ý nghĩa thay đổi đặc tính, tình trạng, thành phần nhân khẩu học của Thánh địa Jerusalem đều không có hiệu lực, vô giá trị và phải bị huỷ bỏ phù hợp với các nghị quyết liên quan của HĐBA".
Dự thảo nêu trên không trực tiếp đề cập tới Mỹ hay Tổng thống Donald Trump. Các nhà ngoại giao nói rằng nó đang được ủng hộ rộng rãi và HĐBA có thể sẽ bỏ phiếu vào đầu tuần tới, nhưng gần như chắc chắn sẽ bị Mỹ bỏ phiếu chống.
Theo quy định, một nghị quyết cần có 9 phiếu thuận và nhất thiết không được có phiếu chống nào trong số các nước thành viên thường trực HĐBA gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga hoặc Trung Quốc.
Các ngoại trưởng khối Ả Rập đã nhất trí thúc giục HĐBA đưa ra một nghị quyết mà bất chấp có được thông qua hay không, nó vẫn sẽ tạo áp lực và sự cô lập lớn hơn cho ông Trump về vấn đề Jerusalem, hãng tin Reuters nhận xét.
Bản dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các nước kiềm chế việc triển khai các sứ mệnh ngoại giao tại Jerusalem, theo nghị quyết 478 năm 1980 của HĐBA. Đồng thời, nó "yêu cầu tất cả các nước tuân thủ nghị quyết HĐBA về Jerusalem, và không công nhận bất kỳ hành động hay biện pháp nào đi ngược lại các nghị quyết ấy".
Jerusalem là nơi có tranh chấp lãnh thổ giữa Israel và Palestine, đồng thời là địa điểm linh thiêng của ba tôn giáo lớn gồm Hồi giáo, Do Thái giáo và Thiên chúa giáo.
Israel xem thành phố Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt, đồng thời muốn tất cả các nước có bang giao đặt đại sứ quán ở đây. Cho đến nay, đa phần các nước đều đặt đại sứ quán ở thành phố Tel Aviv.
Theo Tuổi trẻ Online