Tăng đường huyết trong thai kỳ dẫn đến nguy cơ về các khuyết tật tim bẩm sinh ở trẻ. Ảnh: shutterstock

"Chúng tôi phát hiện ra rằng ở những phụ nữ bị tiểu đường khi mang thai, chúng tôi có thể đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh của trẻ sắp sinh bằng cách xem xét các thông số về lượng đường trong máu trong ba tháng đầu của thai kỳ", James Priest, một thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã điều tra và phân tích các hồ sơ bệnh án từ 19.107 cặp mẹ và con của họ sinh ra trong năm 2009 và 2015. Tài liệu nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí Nhi khoa Hoa Kỳ, bao gồm chi tiết về việc chăm sóc tiền sản của bà mẹ, như kết quả xét nghiệm máu và tất cả các chẩn đoán tim được thực hiện cho trẻ trong thời gian mang thai hoặc sau khi sinh.

Đối tượng của nghiên cứu không bao gồm những trẻ em có các bệnh di truyền nhất định, sinh đôi trở lên hay có mẹ có các chỉ số cơ thể quá thấp hoặc quá cao. Trong số các trẻ sơ sinh được nghiên cứu, 811 trẻ được chẩn đoán bị bệnh tim bẩm sinh, còn lại 18.296 trẻ thì không.

Sau khi loại trừ những phụ nữ bị tiểu đường trước khi mang thai hoặc trong quá trình mang thai, kết quả phân tích cho thấy nguy cơ sinh con có khuyết tật tim bẩm sinh tăng lên 8% cho mỗi 10 miligam trên mỗi đề-xi-lít đường trong máu của các sản phụ.

Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi một nhóm số lượng lớn phụ nữ trong giai đoạn mang thai để xem liệu kết quả nghiên cứu trên có được khẳng định hay không. Nếu các nhà nghiên cứu nhìn thấy mối quan hệ tương tự, thì ta có thể kết luận cần thiết phải tiến hành đo lượng đường trong máu sớm trong thời kỳ mang thai ở tất cả phụ nữ mang thai để giúp xác định những người có nguy cơ sinh con bị các khuyế tật về tim cao hơn.

Priest cho biết thêm: "Chúng tôi có thể sử dụng thông tin về lượng đường trong máu để khuyến cáo một số sản phụ cần tiến hành việc sàng lọc tim thai".

Bác sĩ này cũng rằng công nghệ chẩn đoán hình ảnh hiện đại cho phép chẩn đoán một cách chi tiết và chính xác các khuyết tật tim bẩm sinh ở trẻ trước khi sinh. "Biết được các khuyết tật sớm sẽ giúp giảm nhẹ hậu quảbởi các bà mẹ có thể nhận được các chế độ chăm sóc đặc biệt nhằm tăng cơ hội khỏe mạnh hơn cho trẻ sau khi sinh."

Công trình nghiên cứu là một hoạt động thuộc dự án Precision Health của Đại học Y khoa Stanford với mục tiêu là dự báo và ngăn ngừa bệnh tật ở người khỏe mạnh và chẩn đoán chính xác cũng như điều trị hiệu quả cho người mắc bệnh.

Thế Vĩnh (lược dịch từ Stanford Med)