Đồng ruộng tại xã Quảng Phước bị bồi lấp

Vũng trũng Quảng Điền ảnh hưởng nặng

Là một trong những địa phương vùng thấp trũng, xã Quảng Phước bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt lũ vừa qua. Nhiều diện tích ruộng bị đất cát bồi lấp với hơn 21 ha, chủ yếu thuộc HTX Đông Phước.

Ông Lê Thành Tân, Phó Giám đốc HTX Đông Phước thông tin: "Theo kế hoạch vụ đông xuân sẽ gieo sạ khoảng hơn 264 ha lúa. Ruộng bồi lấp, nông dân phải mất công để cải tạo, tốn kinh phí múc số đất này mới có thể gieo sạ. Ruộng tại những vùng bị bồi lấp cũng sẽ kém dinh dưỡng, đất bạc màu, chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất về sau”.

Các xã như Quảng An, Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng Lợi, thị trấn Sịa, nhiều diện tích đất ruộng cũng bị bồi lấp.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, do mưa lũ nên tình trạng các bờ sông bị sạt lở diễn ra nghiêm trọng. Theo đó, tại xã Quảng Phú, sạt lở bờ sông Bồ đoạn đầu thôn Hạ Lang dài 70m; sạt lở bờ sông Bồ dài 855m ở xã Quảng Thọ; xã Quảng Thành sạt lở bờ sông Bồ đoạn Thanh Hà – Phú Lương dài 1km; xã Quảng An sạt lở bờ sông Bồ đoạn từ cầu Ngã Tư đến thôn Phú Lương B dài 120m khiến hàng chục ha ruộng phủ kín cát.

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết: “Ngoài ra lượng phù sa, đất cát ở thượng nguồn đổ về cộng với các con đê bị vỡ khiến ruộng tại Quảng Điền bị bồi lấp nghiêm trọng. Năm nay tình trạng bồi lấp diễn ra lớn hơn mọi năm bởi Thừa Thiên Huế vừa trải qua các trận lũ lớn”.

Trước tình hình bồi lấp đất ruộng, các địa phương tại huyện Quảng Điền đang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ, huy động người dân múc diện tích đất bồi lấp mỏng để chuẩn bị cho vụ đông xuân.

Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành thông tin: “Ruộng tại địa phương ngoài bị bồi lấp còn đón một lượng bèo đổ về. Ngay sau lũ chúng tôi đã huy động người dân ra quân vớt bèo và múc cát bồi lấp. Đến nay, diện tích ruộng tại Quảng Thành cơ bản đã được cải tạo, chuẩn bị gieo cấy vụ đông xuân”.

Tại các địa phương có mức độ bồi lấp dày, ngoài việc hỗ trợ kinh phí cho người dân cải tạo, cơ quan chuyên môn còn phổ biến kế hoạch, kinh nghiệm chăm sóc đối những vùng đất ruộng này.

“Bình quân năng suất vụ động xuân vào khoảng 70 tạ/ha. Song với những vùng ruộng bị bồi lấp, chắc chắn năng suất sẽ giảm. Do nguồn lực còn hạn chế nên chúng tôi hỗ trợ người dân bình quân 60kg lúa/sào giúp người dân cải tạo đất, còn lại kinh phí của người dân tự cải tạo. Với những vùng ruộng bị bồi lấp, chúng tôi khuyến cáo bà con có những biện pháp chăm sóc, quy trình gieo cấy phù hợp để đảm bảo năng suất về sau”, ông Tân chia sẻ.

Hiện, ở những diện tích đất ruộng bị bồi lấp dày, người dân vẫn còn khó khăn trong khâu cải tạo vì thiếu nguồn kinh phí.

“Một số nơi ruộng bị bồi lấp dày đến 50cm. Tại những nơi này, người dân khá khó khăn trong việc “giải phóng” lượng cát ra khỏi đồng ruộng bởi thiếu nhân công cũng như nguồn kinh phí. Nếu không kịp thời cải tạo, sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ về nguồn kinh phí để giúp đỡ người dân”, ông Hoàng Vọng đề xuất.

Hơn 3 sào ruộng của hộ bà Kăn Nhíp bị cát bồi lấp ảnh: Bá Trí

Hơn 45 ha đất sản xuất ở A Lưới có nguy cơ bỏ hoang

Xã A Đớt (A Lưới) là vùng thượng nguồn sông A Sáp. Toàn xã có hơn 13ha ruộng lúa và hoa màu bị san lấp bởi bùn, cát sạn và đá núi khiến sản xuất của bà con bị ngưng trệ; trong đó nhiều diện tích bị bồi lấp sâu.

Lội sâu bì bõm trên đồng ruộng bị bồi lấp, chị Blup Thị Nương, ở thôn Chi Lanh – Aro (xã A Đớt) chia sẻ, nhà chị có 6 sào ruộng bị bồi lấp, khó khăn cho việc cải tạo để cấy lúa vụ đông xuân. Nhà chị Nương có 6 nhân khẩu nên chị rất lo khi vụ mùa đang sắp tới bị ảnh hưởng. Tương tự, hộ gia đình anh Ra Pát có 2 sào ruộng đã bị cát bồi lấp không thể cày cuốc.

Bà Kăn Nhíp, ở thôn A Đớt chỉ cho chúng tôi biết dưới bãi cát nơi bà đang đứng là gần 3 sào ruộng của gia đình đã bị bồi lấp. “Chúng tôi đã cố cuốc cát, bùn nhưng không được vì cát bao phủ dày đặc. Nếu gieo hạt vào lúc này cũng chẳng có loại cây trồng nào có thể phát triển được”-bà Kăn Nhíp than thở.

Phó Bí thư Đảng ủy xã A Đớt Trần Ngọc Tuấn cho biết: Địa phương đang tích cực tuyên truyền vận động bà con Nhân dân dùng các biện pháp thủ công cải tạo đất ở những nơi bị cát bồi lấp nhẹ để kịp thời xuống vụ đông. Riêng những diện tích bị bồi lấp nặng thì việc cải tạo, bốc dỡ rất khó khăn và xã đang tìm phương án xử lý.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm, toàn huyện có hơn 45ha đất ruộng, vườn bị bồi lấp, nhiều công trình kênh mương bị thiệt hại, hư hỏng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ đông xuân. UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương vận động người dân hoán đổi ngày công cho nhau để kịp thời khắc phục. Đồng thời, huy động lực lượng thanh niên, quân đội, dân quân tại chỗ giúp dân cày bùn đất, cuốc dở lớp cát sạn để đáp ứng sản xuất, nhất là đối với các gia đình thiếu lực lượng lao động.

Cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện A Lưới và lực lượng dân quân tự vệ, các đồn biên phòng đã tỏa về các địa phương để giúp dân cải tạo đồng ruộng, phục hồi sản xuất.

Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt cho biết: Đơn vị huy động lực lượng giúp dọn dẹp, đắp lại kênh mương bị vỡ, ra quân cả ngày nghỉ, ngày cuối tuần để bà con sớm khắc phục lại một số diện tích sản xuất ban đầu.

Hiện nay, việc cải tạo đất để kịp thời sản xuất cây trồng vụ đông xuân đang được các địa phương bị thiệt hại ở A Lưới tích cực thực hiện. Song nhìn chung tại những vùng bị cát sạn, đất đá bồi lấp nặng, hầu hết các cấp, các ngành cùng người dân ở A Lưới vẫn chưa thể tìm ra phương án xử lý hiệu quả. Và, nguy cơ bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp vẫn đang hiện hữu đối với địa phương vốn đã khó khăn về diện tích sản xuất.

Bài, ảnh: Lê Thọ - Bá Trí