Mô hình chổi đót của chị Thu

Ghi nhận

Ngôi nhà nhỏ của chị Dương Thị Dũng ở tổ 1 phường Thuỷ Phương (thị xã Hương Thuỷ) nằm giữa khu vườn nha đam xanh ngắt đang đến kỳ thu hoạch. Dẫn chúng tôi đi tham quan, chị Dũng kể, trước đây, chị làm thợ nề nhưng sức khoẻ yếu nên đành ở nhà, cuộc sống vì thế gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy nhu cầu người dân sử dụng cây nha đam để làm nước giải khát và làm đẹp ngày càng tăng, chị muốn tận dụng diện tích đất trong vườn trồng loại cây này nhưng không có vốn nên đành chịu. Chia sẻ tâm tư với hội, chị được chị em phụ nữ trong tổ hỗ trợ 1,6 triệu đồng tiền vốn. Nhờ đó, chị Dũng đã cải tạo lại vườn, đầu tư mua giống và phân bón để trồng nha đam. Hiện nay, vườn nha đam của chị đã cho thu hoạch và trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình. “Nhờ được hội hỗ trợ, tôi đã hiện thực hoá được mô hình này”, chị Dũng trải lòng.

Quá trưa, nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Thu ở tổ 1 phường Thuỷ Phương vẫn cần mẫn bện chổi. “Đã hẹn với khách hàng nên phải tranh thủ làm cho kịp để giữ chữ tín”, chị Thu lý giải. Trước đây, cả mấy miệng ăn trong gia đình chị  phụ thuộc vào mấy sào ruộng nên may ra chỉ đủ ăn, chẳng dư dả được gì. Tham gia phong trào phụ nữ, được cán bộ hội tập huấn, hỗ trợ khởi nghiệp, chị Thu trăn trở rồi quyết định đầu tư thêm nghề sản xuất chổi. Ngoài chổi đót truyền thống, chị sáng tạo ra nhiều loại chổi khác như chổi dừa, chổi tre, chổi lông... Sản phẩm chổi của chị Thu được khách hàng ưa chuộng, thu nhập của gia đình được tăng lên.

Chị Nguyễn Thị Hoa, Chi hội trưởng Phụ nữ tổ 1 phường Thuỷ Phương cho biết, để có kinh phí hỗ trợ chị Dũng, chị Thu khởi nghiệp, hội đã xây dựng mô hình “Tiết kiệm xanh giúp phụ nữ khởi nghiệp”. Mô hình này được triển khai theo hình thức các hội viên tiết kiệm tiền bán phế liệu trong gia đình để giúp phụ nữ nghèo có vốn ban đầu khởi nghiệp. Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hương Thuỷ, “Tiết kiệm xanh giúp phụ nữ khởi nghiệp” là một trong những mô hình điểm của Thị hội nhằm xây dựng quỹ hỗ trợ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn khởi nghiệp. Ngoài ra, các cấp hội trên địa bàn thị xã còn có nhiều hình khác như tạo vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tiết kiệm tại chỗ, tổ chức tập huấn khởi sự doanh nghiệp để khơi dậy tiềm năng sáng tạo khởi nghiệp trong hội viên.

Thực hiện phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các cấp hội trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên mạnh dạn phát huy thế mạnh của địa phương vươn lên phát triển kinh tế. Được Hội LHPN phường Hương Văn (Hương Trà) tập huấn maketing, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chị Trần Thị Thu Sương ở tổ dân phố Bàu Đưng đã xây dựng thành công dây chuyền ép dầu lạc bằng máy hiện đại. Chị Sương kể, sau khi được tập huấn maketing, biết cách tiếp cận mở rộng thị trường, sản phẩm làm ra không đủ tiêu thụ. Vì vậy, chị đã vay thêm vốn qua kênh phụ nữ đầu tư máy ép dầu. Với dây chuyền này, năng xuất sản xuất đã tăng lên rõ rệt, mỗi ngày ép được 6 tạ đến 7 tạ lạc, cho thu nhập 500 ngàn đồng mỗi ngày, đồng thời tạo việc làm cho 5 lao động địa phương.

Theo bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, các cấp Hội LHPN tích cực phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động hướng dẫn khởi nghiệp, cách thức tiếp cận, sử dụng nguồn vốn vay; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp kết nối với các doanh nghiệp trên thị trường trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội phụ nữ đã huy động được 800 triệu đồng hỗ trợ cho 188 phụ nữ khởi nghiệp.

Cần đẩy mạnh

Dù đã có những nỗ lực song thực tế phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Hầu hết các mô hình khởi nghiệp đang ở giai đoạn manh nha, nhỏ lẻ, thậm chí rất nhỏ. Nguyên nhân là do nhiều phụ nữ có năng lực nhưng chưa chủ động tìm hiểu chủ trương, chính sách, chưa mạnh dạn phát huy thế mạnh của địa phương để khởi nghiệp. Một số chị có ý tưởng hay nhưng do thiếu vốn nên không hiện thực hoá được ý tưởng của mình. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ khởi nghiệp chưa sâu rộng...

Bà Lê Thị Hồng Thanh cho biết, hiện nay, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 -2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tập trung vào việc trợ giúp nhằm hiện thực hóa các ý tưởng có tính sáng tạo xuất phát từ nhu cầu, giải quyết các vấn đề đang tồn tại của phụ nữ. Ngoài ra, hội cũng tranh thủ tìm kiếm nguồn lực từ các dự án quốc tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chị em hiểu các chủ trương, chính sách về khởi nghiệp; khảo sát hội viên, phụ nữ để có kế hoạch giúp đỡ thiết thực. Các hoạt động hỗ trợ sẽ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm vào nhóm đối tượng cụ thể, không mang tính phong trào, bề nổi mà tập trung nâng cao hiệu quả cho phụ nữ khởi nghiệp bền vững. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội chủ động xây dựng các nguồn quỹ thông qua các mô hình sáng tạo để phong trào phụ nữ khởi nghiệp lan rộng trong toàn bộ hội viên.

Để đạt mục tiêu đề ra, theo bà Lê Thị Hồng Thanh, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương và sự nỗ lực của cán bộ hội các cấp để hỗ trợ, hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của phụ nữ. Mặt khác, cần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp mới thành lập, xây dựng và phát triển các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới xúc tiến thương mại.

Và một yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến và có thể xem là yếu tố tiên quyết chính là bản thân người phụ nữ phải tự tin, bản lĩnh, vượt lên những rào cản xã hội để bắt tay khởi nghiệp.

Yến – Thuận