Hội thảo tham vấn về giảm phát thải tỉnh Thừa Thiên Huế

 Thừa Thiên Huế có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 348.836 ha, chiếm trên 69,4% diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích đất có rừng hơn 283 nghìn ha (rừng tự nhiên 212.172 ha và rừng trồng hơn 70.830 ha) và khoảng 29.340 ha rừng đã trồng nhưng chưa thành rừng. Độ che phủ rừng toàn tỉnh hiện nay đạt 56,3 %. 

Thời gian qua, Ban Quản lý dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực thi REDD+ tại Việt Nam- giai đoạn 2” Thừa Thiên Huế (gọi tắt là FCPF 2) đã tổ chức tham vấn tại các huyện, thị xã: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, để xác định các nguyên nhân gián tiếp khác có ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm gia tăng lượng phát thải khí nhà kính. Đó là sự bất cập của khung chính sách, thể chế của nhà nước như nội dung chính sách về cải tạo rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang trồng cao su và cây nông nghiệp khác, chồng chéo và những bất cập trong thực thi quy hoạch ba loại rừng; sản xuất nông nghiệp kém bền vững; giao đất giao rừng, đặc biệt chuyển giao đất có nguồn gốc nông lâm trường về cho địa phương quản lý; vấn đề sinh kế người dân sống gần rừng...

Trên cơ sở kết quả tham vấn các bên liên quan tại cơ sở và kết quả thảo luận tại “Hội thảo tham vấn về các giải pháp ngoài ngành lâm nghiệp liên quan đến sẳn sàng thực thi REDD+ tại tỉnh Thừa Thiên Huế” ngày 17/11, các nguyên nhân ngoài ngành liên quan tới gia tăng phát thải đã được phân tích kỹ và đề xuất khắc phục bằng một số nhóm giải pháp.

Giải pháp thứ nhất là tăng cường thực thi lâm luật thông qua việc thực hiện tốt các chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tăng cường trách nhiệm, sức chiến đấu của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, chính quyền các địa phương, các ban ngành, đoàn thể và lực lượng chuyên trách như kiểm lâm, công an, quân đội để quản lý chặt chẽ rừng và đất rừng, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về pháp luật lâm nghiệp.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các chủ rừng, các ngành, các địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giám sát chặt chẽ việc trồng rừng thay thế. Quản lý tốt diện tích vùng giáp ranh giữa các chủ rừng, chính quyền địa phương các cấp và vùng biên giới, chống buôn bán gỗ bất hợp pháp thông qua việc ký cam kết hàng năm. Tăng cường năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị cho lực lượng thực thi pháp luật. Nâng cao năng lực thực thi Pháp luật, Quản trị và Thương mại rừng (FLEGT) cho các chủ rừng và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp thứ hai là rà soát, quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp thông qua điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với các quy hoạch về sử dụng đất, phát triển công nghiệp, phát triển du lịch, khai thác khoáng sản… Rà soát các hoạt động sản xuất của các đơn vị lâm nghiệp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo tính ổn định cơ cấu tỷ lệ các loại rừng theo quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2009-2020 và tầm nhìn 2030. Điều chỉnh và thu hồi đất lâm nghiệp của các tổ chức, cá nhân đã được giao nhưng sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích đồng thời quản lý diện tích nương rẫy, bảo đảm duy trì diện tích canh tác ổn định cho người dân sống gần rừng.

Giải pháp thứ ba là nâng cao hiệu quả quản lý- bảo vệ rừng thông qua nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật cho các chủ rừng; tăng cường trách nhiệm quản lý của chủ rừng và hướng tới việc chi trả (hưởng lợi) theo sự tăng trưởng của rừng và tích luỹ cac-bon.

Giải pháp thứ tư là thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng giảm phát thải, cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng. Giải pháp này tập trung xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap và canh tác hữu cơ, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất lâm- nông kết hợp có hiệu quả, phù hợp với môi trường sinh thái.

Giải pháp thứ năm là nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp bằng cách xây dựng chính sách khuyến khích các chủ rừng liên kết theo mô hình hợp tác xã (hoặc tổ hợp tác), liên hiệp hợp tác xã kinh doanh rừng trồng bền vững. Khuyến khích các hình thức liên kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến và các chủ rừng theo mô hình chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn đang triển khai của Công ty Scanviwood. Quy hoạch vùng khai thác nguyên liệu đảm bảo độ che phủ, nâng cao năng suất và giá trị gỗ rừng trồng thông qua giảm tỷ trọng xuất khẩu gỗ dăm, tăng tỷ trọng gỗ chế biến gia dụng. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm (liên kết dọc), từ khâu trồng rừng, thu mua nguyên liệu, đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Giải pháp cuối cùng là giảm thiểu rủi ro về thiên tai. Để thực hiện thành công giải pháp này, trước tiên cần đánh giá các mô hình sử dụng đất bền vững để nhân rộng. Thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn theo hướng trồng đa loài, đa mục đích, thiết kế mật độ và loài cây thích hợp có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết. Thực hiện thí điểm mô hình bảo hiểm rừng trồng.

Để thực hiện các giải pháp này cần có sự chung tay của nhiều ngành trong tỉnh và được cụ thể hóa bằng văn bản, góp phần thực thi có hiệu quả chương trình giảm phát thải khí nhà kính của tỉnh và chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam.                        

Bài, ảnh: Nguyên Thi