Ông Hoàng Huế ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) được TTKN tỉnh chọn triển khai mô hình SSLĐBPPBNT với quy mô diện tích 30m2. Có kinh nghiệm nuôi tôm, cá từ nhiều năm nay nên ông Huế dễ dàng tiếp cận, ứng dụng mô hình nuôi lươn đồng.
“Ban đầu cũng khá lúng túng vì mô hình còn mới, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, chỉ trong thời gian ngắn tui đã tiếp thu các quy trình kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất giống lươn đồng”, ông Huế chia sẻ. Sau 8 tháng nuôi, ông Huế đã thu được 44 tổ trứng với số lượng ước chừng 15.360 trứng, tỉ lệ nở 72,9%; tỉ lệ ương từ bột lên giống đạt 64,4%, số lươn giống thu được là 7.209 con giống.
Những năm gần đây, NTTS trên đầm phá Tam Giang ngày càng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường. Các đối tượng nuôi khó thích nghi môi trường thay đổi đột ngột, nhất là nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh, thua lỗ. Mô hình lươn đồng tuy mới nhưng khá dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, môi trường ở nhiều địa phương. Đây chính là cơ hội cho người dân vùng đầm phá trong việc đa dạng hóa các đối tượng NTTS trong điều kiện ứng phó BĐKH.
Ngoài đa dạng mô hình NTTS, giá trị kinh tế cao, mô hình nuôi lươn đồng không đòi hỏi diện tích lớn, có thể tận dụng sân vườn nuôi tại chỗ. Vốn đầu tư cho mỗi mô hình khá thấp, với mỗi bể nuôi khoảng 30m2, kể cả giống, thức ăn, xây dựng bể chỉ khoảng 20-30 triệu đồng. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa chủ động được nguồn lươn giống, chủ yếu mua ở các tỉnh phía nam, giá thành cao và tỷ lệ sống thấp. |
Lươn đồng hiện nay ngày càng khan hiếm do khai thác quá mức, trong khi thị trường tiêu thụ mạnh, giá trị kinh tế cao. Giá bình quân mỗi kg lươn đồng dao động từ 150-200 ngàn đồng, trong khi các loại cá chỉ 50-100 ngàn đồng; kể cả tôm sú cũng chỉ từ 100 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng/kg. Lươn đồng không chỉ được người tiêu dùng ưa chuộng, làm thức ăn hằng ngày mà còn được các nhà hàng, khách sạn chế biến nhiều món ăn hấp dẫn.
Do nhu cầu tiêu thụ lớn nên người dân khai thác quá mức nên nguồn lươn đồng trên các vùng đầm phá có nguy cơ cạn kiệt gây mất cân bằng sinh thái. Vậy nên mô hình nuôi lươn đồng khi được nhân rộng sẽ giảm áp lực khai thác nguồn lươn tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc TTKN tỉnh đánh giá, mô hình SSLĐBPPBNT tại thị trấn Sịa bước đầu thử nghiệm thành công, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được quy trình sản xuất giống lươn đồng; góp phần từng bước chủ động nguồn giống lươn cho nuôi thương phẩm có chất lượng và phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu tại nhiều địa phương. Lâu nay, mô hình nuôi lươn chủ yếu theo mùa, thường từ tháng 3 đến tháng 9; sắp đến sẽ nghiên cứu sản xuất giống để nuôi quanh năm. TTKN tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống lươn đồng, sau đó tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao cho người dân.
Theo ông Phi, để nhân rộng mô hình sản xuất giống, cũng như nuôi lươn đồng thương phẩm cần xã hội hóa trong việc đầu tư nguồn lực tài chính. Các địa phương chủ động đầu tư kinh phí, quy hoạch, định hướng và có chính sách hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình. Cơ quan chức năng, TTKN có trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi. Lâu dài, Nhà nước cần xây dựng các cơ sở ương giống tại một số địa phương để cung ứng nhu cầu sản xuất cho người dân.
Bài, ảnh: Hoàng Triều