Hầu hết tiểu thuyết lịch sử đều dựa vào những nhân vật nổi tiếng, có công lao, đã được xã hội tôn vinh

Bản chất (hay đặc trưng) của hoạt động văn học nghệ thuật vốn đa dạng, luôn tồn tại nhiều khuynh hướng. Tuy vậy, trước tình hình trong nước cũng như thế giới đang có những biến động khó lường, nhiều giá trị được “cân đo” lại, thì sự du nhập các khuynh hướng ngoại, hoặc tìm kiếm/điều chỉnh một số khuynh hướng đã định hình trước đây xảy ra có phần “rối rắm”, nên sự nhận diện, đánh giá và đề xuất những giải pháp để phát triển văn học nghệ thuật tốt đẹp hơn là điều cần thiết.

Ở đây, xin được bàn đến một số xu hướng trong các tiểu thuyết lịch sử gần đây mà tôi được biết.

Tiểu thuyết lịch sử: Phát triển, được quan tâm hơn trước

Không có điều kiện để tổng hợp và so sánh số liệu tiểu thuyết lịch sử được xuất bản các thời kỳ trước và sau năm 2000 (nếu như lấy giai đoạn những năm đầu thế kỷ 21 để đánh giá), nhưng có thể dễ dàng thấy rằng, văn học tư liệu - trong đó có tiểu thuyết lịch sử - trong hơn chục năm qua đã có sự phát triển về nhiều mặt và được quan tâm hơn trước.

Chỉ điểm qua một số tác phẩm gần đây gây được dư luận chú ý, đạt giải thưởng các cuộc thi, có tác phẩm có thể gọi là “đồ sộ”, chúng ta đã thấy rõ điều đó: “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân, giải nhất cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn; “Minh sư” của Thái Bá Lợi và  “Thông reo Ngàn Hống” của Nguyễn Thế Quang, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (trước đó, tiểu thuyết “Nguyễn Du” của cùng tác giả cũng đã đạt giải thưởng cao ở Hà Tĩnh và Nghệ An); bộ tiểu thuyết “Bão táp Triều Trần” 6 tập của Hoàng Quốc Hải được tặng giải thưởng Nhà nước về VHNT 2017; bộ tiểu thuyết 3 tập về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh của Hoàng Quảng Uyên (“Mặt trời Pác Bó”, “Giải Phóng”, “Trông vời cố quốc”), trong đó 2 tập đầu được tặng giải thưởng Sáng tác và quảng bá tác phẩm văn nghệ trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2010 và 2015; “Trong cơn lốc xoáy” của Trầm Hương, đạt giải A trong cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết về đề tài Cách mạng và Kháng chiến (giai đoạn 1930-1975) do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng năm 2015…

Những bộ tiểu thuyết lịch sử dày hàng ngàn trang liên tục xuất hiện, trong khi tiểu thuyết sử thi nhiều tập cỡ như “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi, “Cơn bão đã đến” của Nguyên Hồng, “Vùng trời” của Hữu Mai, “Đất trắng” của Nguyễn Trọng Oánh… thời gian gần đây hầu như vắng bóng trên văn đàn, chứng tỏ bạn đọc đang “khát”. Mặt khác, có thể thời của tiểu thuyết sử thi đã qua, các tác giả đang sung sức cũng như những cây bút trẻ hầu hết chỉ viết những tác phẩm có dung lượng vừa phải, không chỉ nhằm đáp ứng thị hiếu bạn đọc mà còn vì đó là một quan niệm nghệ thuật tiểu thuyết: không xem trọng nội dung tác phẩm, không lệ thuộc và “chạy theo” miêu tả các sự kiện, cho dù là sự kiện lớn.

Tiểu thuyết lịch sử có vẻ như đã thay thế tiểu thuyết sử thi làm nhiệm vụ đó một cách “xuất sắc” hơn do yếu tố “hư cấu” ít hơn và dù sao cũng phải bám sát sự kiện và tiểu sử nhân vật.

Nhân vật trung tâm trong một số tiểu thuyết lịch sử

Trừ những tác giả “cách tân” đặc biệt, quan niệm truyện không cần nhân vật, còn nữa, đã là tiểu thuyết, nhân vật luôn là yếu tố quan trọng làm nên chất lượng, giá trị tác phẩm. Một số tiểu thuyết (cả truyện ngắn) lịch sử trong thời gian qua gây dư luận trái chiều khi bị những cây bút phê bình theo quan điểm chính thống phê phán như các truyện ngắn lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân… đều xoay quanh cách đánh giá và miêu tả nhân vật lịch sử, nhất là các danh nhân.

Trước khi bàn về các cách đánh giá nhân vật lịch sử được thể hiện trong tiểu thuyết lịch sử, chúng ta thử xem các nhà văn đã lựa chọn nhân vật lịch sử như thế nào. Điều dễ thấy là hầu hết tiểu thuyết lịch sử đều dựa vào những nhân vật nổi tiếng, có công lao, đã được xã hội tôn vinh; ví như các tác phẩm đã dẫn ở trên thì đó là Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh… Trên thế giới thì đó là Na-pô-lê-ông, Pi-e Đại đế…

Cũng có thể nói đây là một trong những “đặc trưng” của tiểu thuyết lịch sử. Chọn những nhân vật nổi tiếng để viết - chỉ riêng “tiểu sử đặc biệt” của những nhân vật đó đã khiến độc giả chú ý. Nhưng mặt khác, chọn một tên tuổi nổi tiếng trong lịch sử làm nhân vật tiểu thuyết, tác giả phải có bản lĩnh mới dám đương đầu và vượt qua những thách thức. Trước hết, tác giả phải có tầm văn hóa nhất định mới có thể miêu tả được những gì đẹp đẽ, tinh túy nhất của nhân vật, gợi được những vấn đề có ý nghĩa nhất. Sau nữa, do nhân vật lịch sử đã quá “quen thuộc” với công chúng, nhà văn một mặt phải bảo đảm tính chân thật về tư liệu mới được độc giả tin cậy, nhưng đồng thời phải tạo ra (hay tìm ra) những điều mà các cuốn sách lịch sử hay chuyện danh nhân không có thì tiểu thuyết lịch sử mới có chỗ đứng, mới được người đọc tìm đến.

Chưa bàn đến nghệ thuật thể hiện, những tiểu thuyết lịch sử dựa vào cuộc đời các anh hùng, danh nhân của dân tộc, dù chưa đạt đến giá trị cao về nghệ thuật, cũng rất nên khuyến khích, vì nó vừa bổ sung, làm sáng tỏ sự thật lịch sử, vừa khiến xã hội - nhất là lớp trẻ - quan tâm tìm hiểu lịch sử và thêm yêu đất nước nhờ tác dụng truyền dẫn của các nhân cách lớn được làm sống lại qua ngòi bút nhà văn.

Nếu xem các tác phẩm “mượn” cuộc đời những anh hùng dân tộc, danh nhân làm nhân vật chính là dòng chủ lưu của tiểu thuyết lịch sử trong thời gian vừa qua thì tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” của Trầm Hương có thể gọi là “chi lưu” - nếu không muốn nói là cá biệt. Nếu tôi không nhầm thì có lẽ đây là tiểu thuyết lịch sử dày dặn nhất (gần ngàn trang khổ lớn) mà nhân vật chính là một con người chưa ai biết trước khi “Trong cơn lốc xoáy” ra đời - bà Jeanne Anna Villarialle. Thậm chí, nếu “xếp hạng” theo quan niệm thông thường thì bà còn ở dưới mức “phó thường dân” - một người Việt lai Philippine, mang quốc tịch Pháp, rồi sau là Mỹ, trừ giai đoạn bà hoạt động trong “Chi đội Tình báo số 12”, còn thì bà bị cả những người thân khinh rẻ. Tôi đã có dịp viết về cuốn tiểu thuyết này, nhưng ở đây xin lưu ý hai điều:

Do hoàn cảnh lịch sử cụ thể, Việt Nam có rất nhiều con người không có vị thế nào trong xã hội - gần như là “vô danh” - nhưng lại có cuộc đời vô cùng phong phú, là nhân chứng của nhiều biến động lịch sử, chứ không chỉ Jeanne Anna Villarialle mới là nhân vật có số phận đặc biệt. Có thể dễ dàng dẫn ra: Một bà mẹ miền Nam tập kết ra Bắc theo chồng, có con ở hai phía chiến tuyến, đứa là liệt sĩ Cổ Thành Quảng Trị, đứa là chỉ huy lính dù Sài Gòn, rồi vượt biên trở thành “Việt kiều” yêu nước… Chỉ sơ lược thế, đã thấy bao nhiêu là tấn bi hài kịch cũng không thiếu anh hùng ca…

Từ đó, có thể nêu vấn đề, không nhất thiết tiểu thuyết lịch sử phải lấy anh hùng, danh nhân làm nhân vật trung tâm mới tạo nên được tác phẩm có tầm vóc. Mặt khác, việc chọn nhân vật trung tâm là con người bình thường, tác giả sẽ tránh được những e ngại khi muốn phóng trí tưởng tượng của mình, đồng thời có điều kiện để nhìn biến chuyển thời cuộc từ nhiều phía, đặc biệt là từ “dưới” lên - cũng có thể nói đây là góc nhìn của nhân dân, hàm chứa nhiều tiếng cười và minh triết dân gian… Nếu nói theo lý thuyết “hậu hiện đại” mà tôi không thật thông thuộc, thì đây có thể là điều kiện thích hợp “tự sự” hay “phi trung tâm”…

Bài, ảnh: Nguyễn Khắc Phê