Trao đổi tại Diễn đàn "Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017: Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới", nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc quan trọng nhất là các doanh nghiệp (DN) phải rất chủ động để nâng sức cạnh tranh, từ việc chủ động để nâng cao kỹ năng quản lý cho đến phương thức sản xuất, tất cả đều phải đầu tư một cách bài bản.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), nhiều nguyên nhân khiến các DN trong nước chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đó là do các DN không có chiến lược kinh doanh dài hạn nên không đầu tư phát triển nguồn nhân lực, không áp dụng khoa học công nghệ cũng như những quy trình sản xuất tiên tiến, đặc biệt chưa biết cách xây dựng niềm tin với khác hàng và đối tác.
“Phần lớn các DN nhỏ hiện nay vẫn sử dụng các phương thức kinh doanh lạc hậu, hầu như không có sự chuẩn bị cho các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang ký kết. Thiếu thông tin, loay hoay trước hội nhập là điểm yếu của các DN Việt trong bối cảnh hiện nay”, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết.
Sau 10 năm tham gia WTO, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã đạt 31 tỷ USD
Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cũng nêu ra một con số đáng quan ngại, khi 63% DN không chuẩn bị gì, số ít DN có sự chuẩn bị rất mơ hồ, và chỉ có 0,001% DN có những chuẩn bị khá kỹ càng cho hành trang hội nhập
Chính vì vậy, theo TS. Nguyễn Đình Cung, cần phải có các giải pháp cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, ít chi phí hơn. Những rào cản hiện nay đang ngăn cản DN tận dụng cơ hội nhưng lại tạo cơ hội tốt hơn cho DN nước ngoài.
“Cải cách đầu tiên cần phải cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thái độ công chức. Các cấp ngành cần hiểu DN hơn để hiểu vấn đề nội tại của họ, khi doanh nghiệp phát triển vững chắc, Việt Nam sẽ có rất nhiều thành công hơn trong những năm tới”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ.
Tại hội thảo, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, sau 10 năm tham gia WTO, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã đạt 31 tỷ USD, cùng với đó là việc tận dụng tốt các Hiệp định FTA.
Ông Trường cho rằng, sự tham dự rất sâu vào các FTA cùng với sự chủ động nên các DN trong ngành dệt may đã chinh phục được nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc...
“Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào thế giới hội nhập, ngành dệt may mong muốn Chính phủ quan tâm thúc đẩy các FTA thế hệ mới, tham vấn DN trong các đàm phán, hệ thống ngân hàng thúc đẩy thanh toán, đồng thời DN cam kết tự nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định FTA...”, ông Trường cho biết.
Dưới góc độ của nhà đầu tư, bà Đặng Thị Minh Loan, Phó Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng, có hai thách thức lớn đối với DN, thứ nhất đó là quy mô vốn đầu tư, năng lực sản xuất, thị trường và mạng lưới khách hàng và phát triển đội ngũ lãnh đạo.
“Doanh nghiệp nhận được nhiều đóng góp vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế nhưng khó tìm được đội ngũ lãnh đạo để mở rộng. Hầu hết DN Việt Nam đều gặp khó khăn về vấn đề này. Xu hướng M&A trong thời gian tới tiếp tục diễn ra, trong khi Việt Nam là thị trường lớn về tiêu dùng nên rất hấp dẫn các nhà đầu tư.
“Nhiều DN Việt Nam có khả năng M&A với các DN quốc tế vì đây là một trong những cách mở rộng quy mô nhanh và hiệu quả. Nếu DN Việt Nam tận dụng được nguồn vốn từ các quỹ nước ngoài, sẽ M&A được các DN quốc tế. Hội nhập nhưng phải giữ vững sự độc lập, M&A nhưng vẫn giữ sự chủ động”, bà Loan nhận định.
Đánh giá Hiệp định EVFTA sẽ có tác động tích cực đối với Việt Nam, ông Gellert Horvath, đồng Chủ tịch EuroCham cho biết, Những sản phẩm xuất khẩu sang EU hiện nay chủ yếu là cà phê quần áo, da giày có mức tăng 30-40% trong những năm tới nhờ FTA.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch EuroCham, Việt Nam cần thúc đẩy các hàng hoá khác như cà phê, những sản phẩm từ tre, hay những sản phẩm sử dụng nguồn thiên nhiên như chè…cần thúc đẩy nhiều hơn. EuroCham đã nhận đc nhiều đề nghị từ DN Việt Nam về việc hỗ trợ đưa sản phẩm sang EU. Nhưng quan trọng là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu khó tính của EU.
“Cần cải thiện môi trường đầu tư, thiện pháp lý khi Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm của ASEAN. Việt Nam có thể trở thành nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới – là những mặt hàng EU cần nên cần đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như dư lượng bảo vệ thực vật”, ông Gellert Horvath khuyến cáo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh: Các DN cần chủ động, thường xuyên tìm hiểu thông tin về thị trường và đối tác cùng các FTA mới thông qua cơ quan chức năng đầu mối. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức đối thoại với các cơ quan Chính phủ để nêu lên thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực thi hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, Chính phủ và các Bộ, ngành kịp thời có những điều chỉnh chính sách và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. |
Theo VOV