Bể chứa rác vỏ bao bì, chai thuốc BVTV được xây trên đồng ruộng xã Hương Toàn (Hương Trà) giúp hạn chế xả thải bừa bãi

Thời gian gần đây, nhiều địa phương nỗ lực khuyến khích phát triển kinh tế bằng cách đẩy mạnh năng suất nhưng diện tích đất trồng không thể mở rộng được. Vì thế, người dân phải sử dụng diện tích đất canh tác triệt để. Để đạt được điều đó, họ phải sử dụng ngày càng nhiều thuốc BVTV. Ngoài ra, biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng thuốc BVTV. Nhiệt độ tăng do BĐKH làm cho sâu bệnh ngày càng nhiều, xuất hiện một số bệnh lạ, nên người dân buộc phải sử dụng thuốc BVTV nhiều hơn nhằm đảm bảo năng suất cây trồng.

Qua khảo sát một số vùng canh tác trồng trọt của Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội (CSRD) tỉnh khi thực hiện nghiên cứu vấn đề ô nhiễm thuốc BVTV và quản lý môi trường, gần 100% người nông dân được phỏng vấn đều trả lời có sử dụng thuốc BVTV cho nông sản và cây trồng nhằm diệt sâu bệnh và kích thích cây trồng.

Tùy vào đối tượng cây trồng mà người dân bơm thuốc BVTV với tần suất khác nhau. Riêng đối với cây lúa, người dân thường bơm thuốc bình quân 8 lần mỗi vụ kéo dài khoảng 4 tháng và 1 năm trồng 2 vụ. Đối với cây lạc, người dân thường bơm từ 2 đến 3 lần cho 1 mùa vụ kéo dài 3 tháng. Đối với rau màu như: rau cải, hành, ớt, hành lá… trung bình được bơm từ 5 đến 10 lần/lứa (45-50 ngày).

Chắc chắn việc sử dụng thuốc BVTV trong trồng trọt không thể tránh khỏi. Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở cung ứng, đồng thời khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách.

Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là công tác quản lý sau sử dụng thuốc và xử lý bao bì, vỏ chai đựng thuốc BVTV làm sao đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.

Giải pháp mà một số địa phương như Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền… đang áp dụng là xây dựng các bể chứa vỏ bao thuốc BVTV tại các nơi thuận tiện qua lại, gần nguồn nước để cho bà con nông dân tự giác bỏ vỏ bao thuốc BVTV sau khi sử dụng. Tuy nhiên, thực tế số lượng đầu tư xây bể chứa rác đồng ruộng vẫn còn rất ít và mang tính nhỏ lẻ, nên việc thải vỏ bao thuốc BVTV ra môi trường vẫn tiếp diễn, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cộng đồng.

Nhu cầu có những bể chứa rác thải riêng biệt ngoài đồng ruộng để người dân bỏ vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV hiện vẫn còn rất lớn. Nên chăng, các huyện, xã chú trọng rà soát xây bổ xung các bể chứa bê tông để đáp ứng yêu cầu xả thải, giúp giảm thiểu ô nhiễm của thuốc BVTV. Ngoài xây dựng các bể chứa rác, cần kết hợp tập huấn về việc sử dụng thuốc sinh học từ các nguyên vật liệu tự nhiên như ớt, tỏi để giảm việc sử dụng thuốc BVTV hóa học và có những phương án xử phạt việc sử dụng thuốc BVTV không an toàn và vứt bao bì bừa bãi ảnh hưởng đến môi trường.

Bên cạnh những giải pháp xử lý ban đầu, việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo tiêu chuẩn để tiêu hủy hóa chất BVTV cũng cần được tính toán và xây dựng kế hoạch. Vì thực tế, rác vỏ bao bì thuốc BVTV không khác chất thải nguy hại, có khi còn chứa nhóm chất độc hại, ô nhiễm hơn, nên khâu xử lý loại rác thải này cũng cần vận chuyển đến khu xử lý chuyên dụng và áp dụng phương pháp xử lý đảm bảo.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên