Mô hình trồng rau tại xã Điền Lộc mang lại thu nhập cao cho người nông dân
“Thuốc lá Phong Lai, khoai lang Thế Chí”
Ông Cao Hữu Nam, người dân làng Thế Chí Đông, xã Điền Hải nhớ lại: Trước đây vùng cát Ngũ Điền nói chung và xã Điền Hải nói riêng, đất rộng bao la nhưng đều bỏ hoang. Người dân chủ yếu sống dựa vào cây lúa và khoai lang. Câu cửa miệng: “Thuốc lá Phong Lai, khoai lang Thế Chí” đã nói lên điều đó. Người dân làng bỏ xứ đi vào miền Nam sinh sống nhiều. Nay, nhiều cây trồng phù hợp với đất cát được người dân áp dụng, mang lại thu nhập cao như kiệu, ném, rau màu. Diện tích đất bị bỏ hoang không còn. Nhiều dịch vụ phát triển, tạo sự thông thương trong buôn bán nên số người dân trở về làng sinh sống ngày càng đông.
Ông Lể Khôi, thôn Nhất Đông, xã Điền Lộc cho biết, từ khi có đập Cửa Lác và bàu Bác E, có nước tưới cho cây trồng, có điện, đường ra tận vùng độông cát nên rất thuận tiện trong sản xuất, thu hoạch rau đối với bà con. Nhiều hộ gia đình đã khá giả nhờ trồng rau.
Huyện Phong Điền đề ra chỉ tiêu trong phát triển kinh tế-xã hội vùng Ngũ Điền đến năm 2020. Đáng chú ý, diện tích NTTS khoảng 655 ha, gồm nuôi tôm 500 ha, nuôi cá nước ngọt 155 ha. Sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản đạt trên 7.950 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng khoảng 6.500 tấn. Tập trung đầu tư và thu hút đầu tư vào cụm CN – TTCN Điền Lộc. Ưu tiên nguồn lực xây dựng đạt chuẩn NTM các xã Điền Hải, Điền Môn, Điền Hòa, Điền Hương; duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn tiêu chí NTM ở các xã Điền Lộc, Phong Hải, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá gắn với xây dựng NTM. |
Đến với Ngũ Điền, ai cũng nhận thấy đặc trưng của vùng miền hiện rõ. Nếu Phong Hải, Điền Hương với nghề truyển thống đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản thì Điền Lộc với các mô hình trồng rau chính và trái vụ, Điền Môn với nghề trồng ném, Điền Hòa với nghề trồng mai cảnh, Điền Hải với đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đầm phá Tam Giang.
Điền Lộc được coi là hạt nhân của vùng Ngũ Điền với nhiều dự án (DA) đang được triển khai. Hiện, Điền Lộc đang xây dựng khu trung tâm thương mại ngay tại khu chợ cũ. Đường Phong Chương qua Ngũ Điền (đoạn Điền Lộc) đang được giải tỏa, thi công mở rộng 23m. Các khu đất xung quanh vùng này đã được đấu giá để người dân xây dựng nhà ở, ki ốt, hình thành trung tâm thương mại dịch vụ sầm uất trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc khẳng định: Ngoài chỉnh trang, xây dựng Điền Lộc là khu đô thị loại IV, huyện đang triển khai DA xây dựng cụm CN-TTCN trong tương lai với diện tích 20ha và hiện đang thực hiện các bước san lấp mặt bằng. Xã cũng đã quy hoạch phát triển các vùng trồng rau trái vụ, vùng rau chất lượng cao. Song song đó, du lịch biển kết hợp với du lịch cộng đồng, tạo đà cho dịch vụ phát triển, tăng việc làm và doanh thu cho người dân.
Nếu như năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của vùng Ngũ Điền là 11,46% đến nay giảm còn trên 6%. Hiện có 2/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là Phong Hải và Điền Lộc. Dự kiến đến năm 2020,các xã còn lại sẽ đạt tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Định hướng cho Ngũ Điền
Ông Nguyễn Trọng Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, toàn xã có 100% hộ dân làm nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Sau sự cố môi trường biển, bà con chủ yếu là mua sắm thêm ngư lưới cụ để tiếp tục vươn xa bám biển với nghề truyền thống. Hiện nay, cơ sở nước Nước mắm Đảnh Vân (Phong Hải) đã có thương hiệu vừa tạo ra sản phẩm đặc trưng cho địa phương vừa tạo việc làm cho nhiều lao động.
Ngũ Điền bao gồm các xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hải, Điền Hòa và Phong Hải thuộc huyện Phong Điền. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 7.000 ha, có hơn 600 ha mặt nước đầm phá và 16 km bờ biển rất thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Hiện nay, tại đây nhiều khu nuôi trồng thủy, hải sản, trang trại kết hợp với chăn nuôi được hình thành, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, du lịch dịch vụ phát triển. |
Xác định thế mạnh của vùng Ngũ Điền là nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản, huyện Phong Điền đã và đang tiếp tục triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch chi tiết nuôi tôm trên cát ven biển tại các xã Phong Hải, Điền Hương, Điền Hòa…. Ngoài ra, áp dụng các chính sách ưu đãi về vốn vay để khuyến khích ngư dân đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, vươn xa bám biển nhằm tăng nhanh sản lượng đánh bắt.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, nhiều cây trồng phù hợp với vùng đất cát đang được các địa phương đưa vào khai thác. Tại Điền Lộc đã phát triển mô hình trồng rau màu trái vụ đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc tâm sự: Ngoài quy hoạch vùng trồng râu trái vụ ở vùng cao, tránh bão lũ, xã đang khởi động DA nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 2ha cho 45 hộ gia đình tham gia nhằm sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap.
Tại Điền môn, Điền Hải, Điền Hương, kiệu, ném đã trở thành loại cây làm giàu.
Ông Hoàng Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Môn thông tin: Đến nay, toàn xã có trên 100 hộ trồng ném với tổng diện tích 40ha. Định hướng của xã là xây dựng thương hiệu cho cây ném Điền Môn. Khi đã có thương hiệu sẽ chỉ đạo các HTX liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để thu mua sản phẩm, nhằm giúp người nông dân yên tâm sản xuất; từ đó sẽ phát triển thêm diện tích trồng ném, phát huy lợi thế của địa phương.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định: Định hướng của huyện là xây dựng kinh tế - xã hội vùng Ngũ Điền trở thành vùng phát triển mạnh, bền vững trong tương lai. Trong đó, ưu tiên phát triển thuỷ sản, du lịch, cơ sở chế biến; quy hoạch một số vùng nuôi tôm trên cát tập trung, một số vùng chăn nuôi gia súc chất lượng cao. Ngoài ra, đẩy mạnh xây dựng một số vùng trồng rau củ, quả chuyên canh theo quy trình VietGAP, lúa hữu cơ và sản xuất lúa theo hướng VietGAP.
Thời gian tới, Phong Điền huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, khôi phục phát triển sản xuất cho người dân sau sự cố môi trường biển, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế vùng ven biển và đầm phá theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề.
Bài, ảnh: Hải Huế