Ví dụ ngay như tên gọi của cuốn sách này. Bạn có thể nhận thấy nó là điều đương nhiên, nhưng với Juli Zeh, đó là cả một sự lạ lẫm – như là mốt thời trang của những nhà vệ sinh sức khỏe cuồng tín. Điều mà cô nhà văn sinh năm 1974 này chưa thấy ở đâu dù đã kinh qua nhiều quốc gia khác nhau. Những khám phá (không biết có thể gọi là thú vị không) của cô dưới góc nhìn của một du khách ngoại quốc về cách làm thế nào để biết một quán ăn có đồ tươi nhờ vào mật độ của thực khách, kèm theo một khuyến cáo là đừng nhìn vào cửa bếp vì đồ ăn thường được chuẩn bị trên nền đất; về những chùm dây điện tỏa ra như những con rắn không lồ cuộn trên cột, rồi tỏa đi khắp các con phố, đôi chỗ búi lại thành những mạng dày che kín cả bầu trời mà Juli nhìn thấy ở Hà Nội; về cách mà lớp trẻ mỗi tối lại lên xe máy dạo phố vì quá ít các tụ điểm giải trí, về cách mà người Việt Nam dường như không quá lo sợ cái chết khi trông thấy những gia đình 4 người cùng ngồi trên một chiếc xe máy trên phố; về rác trên các mặt hồ đến nỗi có những con cá bơi ngửa bụng lên trời, về những tòa nhà đang được mải miết được xây cao, xây mỏng và xây chồng lên nhau, về cách mà cô thấy khi lúc nào và ở đâu dường như phụ nữ là người làm việc còn đàn ông thì ngồi chơi bài và hút thuốc lào vặt...

Nhưng Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo hoa, mặc dù vẫn có nhiều lắm những quan sát với sự lạ lẫm ở trạng thái và cả phong cách sống, trong những cái chung và cái riêng, giữa những điều dễ chịu và khó chịu... vẫn có không ít những điều thú vị khác. Nó có thể là một sự lỗi nhịp do chậm bước, với những điều đã không còn tìm thấy nữa ở đất nước mà cô sống nhưng vẫn hiện diện ở nơi này, như những điều có phần vẫn đáng yêu. Nó có thể làm cô thấy Việt Nam là một đất nước đẹp nhất thế giới nếu không bị chi phối bởi những tương tác không dễ dàng khác trong ứng xử, trong ngôn ngữ, trong biểu hiện tình cảm và có khi là những giá trị khác được nảy sinh theo những cách khác nhau. Ở đó, có biển sóng sánh ấm áp, tĩnh lặng và xanh veo như một cái hồ bơi rộng liền bờ khu du lịch sinh thái; nơi có những mảnh vườn tuyệt đẹp như thể chúng được copy-paste từ thiên nhiên; là sự kiên nhẫn mà theo Juli, hầu như ở mọi nơi - là kiên nhẫn đến khó hiểu...

Suy cho cùng thì điều chính yếu đến từ sự khác biệt của các nền văn hóa. Những điều lạ lẫm ở Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo hoa cũng chính là sự va đập, tương tác (chưa phải là xung đột) của những cách biệt và khác biệt về văn hóa. Đó cũng là điều hiển nhiên thôi. Như nó đã từng xảy ra ở bất kỳ nơi nào trong cuộc sống ở nơi đã phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, khi đọc những góc nhìn từ một người chọn Việt Nam để khám phá trong 3 tuần của mình, với những quan sát và những sắc thái khác biệt ngay từ cổng chờ ra sân bay, Việt Nam ở cô mà tôi thấy, có nhiều giá trị cần được gìn giữ cũng như có những giá trị cần phải thay đổi trong đánh giá, nhìn nhận. Tương tự như thế là một nhịp sống cần được cải thiện về mặt nhận thức của người dân. Nhưng Việt Nam còn là những hình ảnh hồn hậu và đôi khi chân phác đến làm người đọc bật cười.

Đơn giác là ở đó, Juli Zeh đem đến một tấm gương  để chúng ta nhìn lại chính mình, với những sắc thái khác được đem đến mà Juli trải nghiệm  - như một cách đề nghị - dù cô chẳng thể hiện điều đó.  

Hoàng Mai