Mặc dù quân ta còn mỏng, nhưng vẫn bám nhân dân xây dựng cơ sở cho kế hoạch mới. Người được phân công bám trụ phải đủ 4 tiêu chuẩn: một là có ý chí đánh địch, hai là có năng lực xây dựng cơ sở, ba là phải tự túc được lương thực, bốn là không chịu chiêu hồi. Để làm được nhiệm vụ này, địa bàn đứng chân là vùng giáp ranh giữa ta và địch.

Tại Khe Quýt dưới chân núi Bạch Mã, 3 đơn vị được phân công bám trụ chỉ có 20 chiến sĩ. Ban đêm đi vào dân để lấy thông tin về tình hình địch. Lực lượng bám trụ đứng vững địa bàn nên lấy được nhiều thông tin có hiệu quả.

Vào một đêm tháng 7 năm 1970, tổ trinh sát huyện Phú Lộc được giao nhiệm vụ đi về vùng Bãi Quả. Gọi là vùng để chỉ địa bàn hoạt động, đúng ra Bãi Quả chỉ là một xóm của thôn Gia Lương, chỉ có 10 nóc nhà của 10 gia đình ngụ cư. Tuy vậy cơ sở của ta ở đây rất mạnh. Bãi Quả là vùng sâu của cách mạng, 11 chiến sĩ được phân công về đây chia làm 2 tổ. Tổ 1 có 4 chiến sĩ, được phân công đi trước. Tổ 2 có 7 chiến sĩ đi sau để hỗ trợ cho tổ đi trước nếu gặp trở ngại.

Để thuận lợi cho chuyến đi từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều hôm ấy, tại nơi giáp ranh, các chiến sĩ an ninh trinh sát bằng ống nhòm quan sát khu vực Bãi Quả. Đồng chí Trần Văn Thời, tiểu đội trưởng của nhóm đi cùng đồng đội của mình phát hiện thấy xung quanh xóm Bãi Quả số người đi lại đông khác thường, chỉ loáng thoáng màu áo trắng, áo xanh, còn lại toàn trang phục màu ghi của lính, không rõ là lính cộng hòa hay Mỹ, các anh nhận định ngay rằng địch đang chú ý đến xóm Bãi Quả. Các anh dự đoán ngay rằng tối nay thế nào địch cũng tổ chức phục kích.

Tuy nhiên kế hoạch gặp dân Bãi Quả đã lên chương trình, cơ sở cũng sẵn sàng đón anh em an ninh về địa bàn nên không thể dừng lại. Dẫu có địch phục kích mình vẫn phải đi, để cho cơ sở ở Bãi Quả thấy rõ anh em giải phóng quân không sai lời hứa hẹn, từ đó mọi cuộc hẹn hò về sau hiệu quả hơn.

Tổ đi đầu gồm 4 đồng chí, với 4 cây AK. Tổ đi sau được trang bị 5AK, 1K54 và 1 cây B40 với 4 quả đạn.

Vì đã xác định khá rõ ý đồ của địch nên các chiến sĩ không đi thẳng từ cửa rừng về Bãi Quả, mà đi đường vòng, vượt qua đường sắt, vượt qua Quốc lộ số 1, vòng về đầm Cầu Hai, quay ngược trở lại Bãi Quả. Đêm tối, 4 đồng chí đi theo hình mũi tên cách nhà dân khoảng 10 mét thì một tia chớp lóe sáng cùng một tiếng nổ vang inh tai. Chắc chắn là địch phát hiện ra ta, nên chúng cho nổ mìn Clay-mo trực tiếp và tiếp sau đó là tiếng súng vang rền cùng với pháo sáng các loại của địch.

Trong tổ 4 anh em đi đầu, Nguyễn Văn Bòn, dẫn đầu nên bị thương, cả 4 người nhảy xuống ruộng lúa, với tinh thần chiến đấu ngoan cường anh em đồng loạt nổ súng vào đội hình của địch. Nấp vào ruộng lúa rồi, địch không phát hiện cụ thể, chúng tưởng anh em ta đi theo hướng từ trên núi về nên hỏa lực chúng tập trung vào hướng núi vì vậy chúng không thu được hiệu quả.

Pháo sáng của địch được tăng cường từ Mũi Né bắn về, từ trung tâm Phú Lộc bắn lên. Trời sáng như ban ngày, chúng tưởng phát hiện hướng đi vào xóm của chúng tôi nên súng địch bắn như vãi đạn. Cũng trong thời điểm đó tổ thứ 2 gồm 7 đồng chí đang bố trí tại đường sắt tiến lên để yểm trợ cho tổ đi đầu, anh em nổ súng vào đội hình phục kích của địch, trong đó có bắn 2 quả B40, một quả đã bắn trúng và dập tắt cây trung liên của địch.

Trong suốt 2 giờ đồng hồ đối mặt với nhau, mất khẩu trung liên, quân ngụy kêu thét ới ới! Những tiếng kêu khóc ấy và hỏa lực chính bị dập tắt, tiếng súng tấn công bắt đầu dừng lại. Pháo sáng cũng dừng không bắn lên nữa.

Khi tiếng súng địch ngừng bắn, chiến sĩ ta mới có thời cơ kiểm tra lại đội ngũ mình. Bốn anh em đi đầu thì có 3 người bị thương. Nguyễn Văn Bòn bị thường nặng nhất, không có người nào hy sinh. Đến lúc này anh em mới kiểm tra, băng lại các vết thương cho nhau. Băng vết thương xong, vẫn theo con đường đã đi xuống Bãi Quả, tổ của Bòn về đến đường sắt thì gặp tổ 7 người cũng vừa từ dưới làng rút lên. Anh em gặp nhau, không một ai hy sinh, mừng quá.

Có điều không vào được xóm, nên dù có võng trong tay vẫn chưa có cách nào để khiêng Nguyễn Văn Bòn lên rừng. Anh em bảo nhau, chắc chắn trong xóm, các cơ sở của chúng ta nghe tiếng súng dữ dội ấy cũng thấy yên lòng vì anh em nằm vùng vẫn giữ được lời hứa. Không gặp được hôm nay thì hôm khác gặp nhau vậy. Chính những cuộc nổ súng dữ dội như thế này, tình quân dân càng gắn bó với nhau nhiều hơn. Tình cá nước ngày càng sâu đậm.

Bòn không thể đi lên rừng được. Cuối cùng anh em cũng tìm được một phương án đó là, nhìn lại vũ khí của mình, cây súng B40 giá dài một chút nữa sẽ là đòn khiêng. Dĩ nhiên là phải tháo ngòi nổ của đạn B40 để đòn khiêng được an toàn. Chỉ có trong chiến tranh mới có được phương án độc đáo này.

Qua một đêm vất vả, ngày hôm sau cả 11 người đã về đến chiến khu.

Đêm Bãi Quả đúng là một đêm nhớ đời. Tuy nhiên những cuộc chiến sau đó còn tiếp tục quyết liệt. Một trong 4 người trong tổ đi đầu, một trận sau này cũng nổ ra ở Bãi Quả, anh Nguyễn Văn Chương đã hy sinh. Người hy sinh thì phải chôn cất, nhưng cuộc sống giành giật nhau từng tấc đất ấy, không thể chôn anh Chương mồ mả đàng hoàng. Vì đã có lúc ở một địa điểm khác chiến sĩ giải phóng hy sinh, bọn lính Ngụy thấy có mộ lạ, kiểm tra trong làng không có ai mới chết, chúng đoán ngay ra đó là mộ quân giải phóng, chúng cho đào lên và treo người chiến sĩ mới hy sinh vào trong khóm trúc trước cửa làng.

Anh Thông hy sinh, dân Bãi Quả đã đưa anh xuống hầm bí mật ở nhà mẹ Luyện. Hầm bí mật đã trở thành ngôi mộ của anh.

Và rồi chiến thắng năm 1975, những chiến sĩ về Bãi Quả đêm ấy ngoài anh Chương còn có 7 người nữa đã hy sinh trên chiến trường. Chỉ còn 3 người đang sống, đó là Nguyễn Văn Bòn, Phan Viết Kiên và Hoàng Lam.

Ngồi với nhau lúc nào, các anh cũng nhắc lại đêm Bãi Quả. Quả thật đó là một kỷ niệm nhớ đời.

Nguyễn Văn Bòn  (kể)

Nguyễn Quang Hà (ghi)