Tầm 4 giờ chiều hôm đó, ngã tư Mai Thúc Loan- Xuân 68 (TP. Huế) lượng người, các phương tiện tham gia giao thông đông nên tắc đường, khiến Nguyễn Văn T. cũng phải dừng xe máy. Trước đầu xe T. là ô tô do ông A. cầm lái, đang dừng chờ thông xe. T. ra hiệu cho ông A. lùi xe để T. đi qua, nhưng phía sau xe ô tô đang có nhiều xe khác nên ông A. không thể lùi được. Nghĩ ông A. cố tình dừng xe cản lối của mình, nên T. xuống dùng chân đá vào đầu xe, dùng mũ bảo hiểm đập vỡ ốp chắn mưa cửa trước bên phụ và kính chắn gió phía sau xe ô tô. Sau đó T. bỏ đi khỏi hiện trường. Hành vi của T. gây thiệt hại cho ông A. qua giám định là gần 6 triệu đồng. T. bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Trước hội đồng xét xử, T. một mực phân bua, cứ nghĩ người bị hại cố tình cản lối mới sinh ra bực tức. Tòa không chấp nhận “lý lẽ” này mà phân tích hành vi của bị cáo có tính côn đồ. Người tham gia giao thông phải tuân thủ pháp luật giao thông. Nếu ai cũng hành xử kiểu hung hăng, bất chấp pháp luật như bị cáo thì cộng đồng, xã hội bất ổn.

Mặt khác trước đây, năm 2008 bị cáo đã từng bị TAND tỉnh phạt 2 năm 6 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”; năm 2011 bị TAND TP. Huế phạt 1 năm 3 tháng tù về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Liên tiếp trong các năm 2014, 2015, 2016, bị cáo còn bị công an phạt hành chính về hành vi “trộm cắp tài sản”, “sử dụng trái phép chất ma túy, xâm hại đến sức khỏe người khác”. Vậy nên với lần tiếp tục phạm tội này, bị cáo cần bị xử lý nghiêm, để răn đe phòng ngừa chung.

Theo lời mẹ bị cáo, con trai bà đến nông nỗi này là do nghiện ma túy; bình thường nó hiền lành. Những lúc T. “tỉnh”, nó cũng nghe những phân tích thiệt hơn của cha mẹ, muốn chấm dứt với ma túy. Vậy nên, gia đình bà đưa con đến trung tâm ở phường Hương Sơ uống methadone (điều trị thay thế ma túy). Đồng thời mấy năm liền phải điều trị tại Bệnh viện tâm thần ở phường Kim Long, do sự tàn phá của ma túy lên hệ thần kinh. Đủ mọi cách nhưng cũng chẳng khả quan, vì khi “nhớ thuốc”, T. vẫn lén lút sử dụng ma túy, mọi điều trị chạy chữa coi như đổ sông đổ bể.

Gia đình T. sống bằng nghề lao động phổ thông, suốt ngày bận rộn lam lũ. Việc T. nghiệp ngập, gây nhiều tiền án, tiền sự khiến cả nhà điêu đứng trong khi bản thân T. không đủ nghị lực để cai nghiện.

Tòa xử T. 1 năm tù. Thương con, nhưng mẹ bị cáo cũng hy vọng thời gian cải tạo trong trại giam, T. sẽ xa được ma túy. Có như vậy may ra cuộc đời T. mới còn hy vọng.

Hệ lụy của nghiện ma túy không chỉ là sức khỏe bị tàn phá, cuộc sống bị hủy hoại mà còn “biến” người nghiện thành tội phạm, gây nguy hiểm cho cộng đồng, xã hội. Rất nhiều vụ án trộm, cướp, cố ý gây thương tích, giết người... xảy ra, hung thủ là kẻ nghiện đang lên cơn, bằng mọi giá phải có tiền để mua “thuốc” hoặc đang “ngáo đá” trở nên hung hãn, côn đồ như trường hợp bị cáo nêu trên.

Từ những giãi bày của những người trong cuộc, có thể thấy, hiểm họa ma túy sẽ “không chừa” một ai bất kể tuổi tác, nghề nghiệp, thành phần xuất thân..., nếu bản thân người đó (và gia đình) không có ý thức, cảnh giác, đề phòng. Đó là, dứt khoát nói không với ma túy. Không nghe lời rủ rê, thử một lần cho biết. Đặc biệt, các bậc cha mẹ phải luôn quan tâm, quản lý, nhắc nhở, giáo dục vấn đề này đối với con cái chưa thành niên, bởi các cháu là đối tượng dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

Duy Trí