Họa sĩ Lê Quý Long bên cạnh tác phẩm tại tư gia.

Hình ảnh những con phố cổ ở Bao Vinh, Hội An, Nam Định, Hà Nội... mà Lê Quý Long đã đi qua đều lần lượt hiện lên trong tranh anh như một niệm khúc (Phố cổ). Anh đã quay vòng theo cuộc sống để cảm nhận được những niềm vui, những nỗi buồn rồi đêm về đối diện với tấm toan trắng, như mở cuốn sổ lòng để khám phá thế giới nội tâm của chính mình, mà ở đó là một tổng hòa cuộc đời, màu sắc và đường nét cứ thế tuôn ra theo dòng tâm thức của người nghệ sĩ.

Màu sắc trong tranh Lê Quý Long không tươi mới, không phiêu lãng cho dù anh vẽ mây, vẽ hoa (Tĩnh vật hoa sen), vẽ thiếu nữ, ẩn kín nơi mỗi hạt màu như đọng một vệt buồn tận trong xa hút, để khi chúng quyện vào nhau làm nên một bức tranh của hoài niệm về một tuổi thơ đầy trăn trở. Cuộc sống của những ngư dân ở các còn đò trên dòng sông Hương đã được tả thật trong tranh anh để ghi dấu một thời đoạn của xã hội, mà nơi đó là cả một thế giới khác lạ cùng những niềm hy vọng thanh cao như những đóa sen hồng (Đời sống trên sông).

Mỗi bức tranh của họa sĩ Lê Quý Long như một câu chuyện dẫn đưa người xem trở về với quá khứ, gợi nhắc những tiếng lòng con trẻ khi được nghe mẹ kể chuyện cổ tích (Thế giới của tôi). Những vòng cung lồng ghép và nối tiếp như vòng xoáy cuộc đời, ẩn sâu trong đó là những khuôn mặt ám gợi qua đôi mắt (Vòng cung cuộc đời).

Lê Quý Long đã miệt mài vẽ suốt mấy chục năm ròng rã, để rồi khi gác bút cũng là lúc trở về với bụi đất. Họa sĩ Đinh Cường nhận xét: "Anh luôn luôn hướng vào nội tâm để gìn giữ đường nét trầm tĩnh. Nội tâm chính là nguồn gốc của nhu cầu và khả năng sáng tạo, khiến cho không khí tranh anh bàng bạc một thế giới tĩnh mịch. Đường nét và màu sắc đầy cá tính. Anh thường dùng sắc độ Lục (ton vert) và một màu chính để từ chỗ tối đến chỗ sáng hoặc từ đậm đến nhạt khiến cho tranh anh có một sắc tính chung".

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường rất tâm đắc với nghệ thuật của Lê Quý Long qua những bình phẩm: "Anh vẽ gì? đó là câu hỏi đầu tiên và muôn đời của ý thức sáng tạo". Và Lê Quý Long vẽ chính sự sống. Trong cái nhìn chăm chú của họa sĩ, sự sống bị bắt quả tang trong từng khoảnh khắc xúc động nhất của nó là sự hoài thai, nảy mầm, thoát thân (Thiếu nữ và mặt nạ)... sự sống được ký thác trên vẻ đẹp vĩnh hằng của cơ thể người đàn bà, đến nổi nhựa sống trong cây cũng được luyện thành từ máu thịt của người thiếu nữ để nảy ra từ những lộc non (Thiếu nữ và ngựa tía)..."

Họa sĩ Lê Quý Long sinh năm 1944, quê ở Hương Thủy. Năm 1972 anh tốt nghiệp Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Huế, dạy tại Trường Quốc Học Huế. Anh tổ chức triển lãm lần đầu tiên tại Đà Nẵng, đã được các đồng nghiệp đánh giá cao. Năm 1973 anh triển lãm tại Huế và tại Sài Gòn năm 1974. Anh cũng là một trong những người đầu tiên mạnh dạn mở gallery ở Khách sạn Morin trên đường Lê Lợi, sau này anh chuyển về đầu đường Lý Thường Kiệt.

Lê Quý Long liên tục có những triển lãm cá nhân vào những năm 1990 và 1992 tại Huế, năm 1991 ở Đà Nẵng, ở TP. Hồ Chí Minh năm 1993, Hà Nội năm 1995 và Huế năm 1997. Đáng chú ý là triển lãm tranh với 50 tác phẩm về đề tài Hà Nội vào năm 2000 tại Huế nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm 1993, họa sĩ Lê Quý Long đã được giải thưởng văn học nghệ thuật Cố Đô lần thứ 2 năm 1993; tặng thưởng liên hoan mỹ thuật Bắc miền

Bài, ảnh: Lam Sơn