Dù không được thừa nhận, nhưng trên mạng đang có rất nhiều diễn đàn, nhóm, hội chuyên về đầu tư tiền ảo. Nhiều người lãi lớn, nhưng cũng có người thiệt hại nặng nề.

Trước cơn sốt lãi cao, nhiều người đầu tư vào tiền ảo trên mạng

Tràn lan lời kêu gọi đầu tư

Bitcoin - loại tiền ảo được phát triển ẩn danh ra đời vào năm 2009, không do chính phủ nào phát hành, do vậy cũng không chịu sự chi phối của bất kỳ chính phủ hay ngân hàng nào trên thế giới. Nhiều người đã khá quen khi nói về đồng tiền này cũng như cách đầu tư nhưng ít ai hiểu cách thức vận hành của nó.

Trước sức tăng chóng mặt trong năm 2017, từ 1.000 USD/bitcoin lên đến 19.000 USD/bitcoin, loại tiền ảo này đã khiến nhiều người tò mò lên mạng để học cách kiếm tiền.

H. Y. (TP. Huế), nhân viên văn phòng, là một trong những người từng đầu tư vào đồng tiền ảo cho biết có một “cuộc sóng ngầm” bitcoin diễn ra sôi động trên mạng. Người chơi cập nhật hàng giờ trên mạng để đeo bám thông tin. Trong đó, có nhiều người không biết gì nhưng vẫn bỏ tiền ra đầu tư vì nghĩ sẽ có lời lớn. Riêng cá nhân Y. từng đổ tiền vào đầu tư nhưng sau khi nghe các khuyến cáo về việc đồng tiền ảo chưa được công nhận này nên đã rút lui.

Hiện nay, có rất nhiều trang web trên mạng chuyên giao dịch bitcoin trong khi tại Việt Nam, tiền này chỉ có thể dùng để mua đi bán lại trên internet mà không có giá trị sử dụng bên ngoài. Ngoài bitcoin có thể kể đến nhiều loại tiền ảo khác đang “thịnh hành” trên mạng như onecoin, bitcoin cash, ethereum... Tâm lý chung đa số người đầu tư vào tiền ảo đều rất kín đáo, ít để người khác biết bởi sợ phản đối, e ngại.

Trước những cơn “sốt” tiền ảo, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh, đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động tiền ảo có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Qua công tác nắm tình hình đã phát hiện và ngăn chặn một số đối tượng người Việt Nam sống tại nước ngoài, các tổng đại lý tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... tổ chức các buổi hội thảo, lân la các quán cà phê giới thiệu người dân được đầu tư ngoại tệ, vàng, tiền ảo theo hình thức đa cấp với những lời gạ gẫm hứa hẹn mức lãi cực kỳ hấp dẫn gấp cả trăm lần sau một thời gian ngắn tham gia. Điển hình tháng 4/2016 xuất hiện loại tiền ảo gcc coin với hứa hẹn mỗi năm có thể kiếm 500 triệu euro, một số người tại Huế đã bỏ tiền tham gia với hy vọng “đổi đời”.

Chứa ẩn nhiều rủi ro

Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh khuyến cáo việc đầu tư tiền ảo gặp rất nhiều rủi ro bởi các sàn giao dịch trực tuyến về tiền ảo không được cơ quan chức năng giảm sát, quản lý, hệ thống máy chủ được đặt tại nước ngoài nên bất cứ sự thay đổi hoặc chấm dứt hoạt động nào của sàn đều ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, kinh doanh tiền ảo theo hình thức đa cấp về bản chất là lấy tiền của người vào sau để trả cho người vào trước, nếu không có thêm người tham gia thì hệ thống xem như sụp đổ. Việc hứa hẹn sự tăng giá “phi mã” của các đồng tiền ảo là một dự đoán thiếu căn cứ không theo quy luật thị trường. Tại Việt Nam, tiền ảo không được xem là tiền tệ để thanh toán và không được pháp luật Việt Nam bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.

Ngân hàng Nhà nước đã phát ra thông cáo báo chí chỉ rõ bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không được thừa nhận là tiền tệ và không được luật pháp bảo vệ, đồng thời ẩn chứa nhiều rủi ro, là lĩnh vực mà các loại tội phạm lừa đảo, rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế... lợi dụng để hoạt động. Do đó, người dân khi tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh tiền ảo nào đều cần tự trang bị cho mình kỹ năng đánh giá và nhận định thị trường, kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và pháp luật để tự bảo vệ chính mình trước những cạm bẫy.

Bài, ảnh: NHẬT MINH