Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Big C Huế

Những ngày cuối năm 2017, nhiều siêu thị, cơ sở kinh doanh và các chợ truyền thống bắt đầu dự trữ lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Nhu cầu mua sắm tăng cao đồng nghĩa với việc sản xuất và dự trữ hàng hóa ồ ạt, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP.

Tại chợ Tây Lộc, hàng trăm chủng loại hàng hóa được bày bán tràn lan, trong đó nhiều mặt hàng như cá khô, mực khô, tôm chua, mứt gừng… không dán nhãn mác và không ghi tên cơ sở sản xuất, song vẫn thu hút nhiều khách hàng lựa chọn. Sau khi tiến hành kiểm tra các tiêu chí liên quan đến ATTP, như giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các quy định về sơ chế và bảo quản thực phẩm, hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ…, lực lượng quản lý thị trường đã nhắc nhở và xử phạt một số hộ kinh doanh, đồng thời tịch thu sản phẩm không đảm bảo ATTP đưa đi tiêu hủy.

Chị Mai Thị Phúc, trú tại đường Mai An Tiêm, phường Tây Lộc cho rằng, người tiêu dùng chỉ mua sắm dựa vào trực giác và giá cả chứ không có kinh nghiệm để phân biệt đâu là hàng đảm bảo chất lượng, đâu là hàng giả, hàng nhái… Vì vậy, công tác kiểm tra kiểm soát thị trường của các cơ quan chức năng đóng vai trò quan trọng, giúp người dân lựa chọn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn trước khi mang về nhà chế biến.

Tại chợ Phú Bài, một lớp tập huấn kiến thức về ATTP đã được tổ chức cho 100 cơ sở kinh doanh, sơ chế thực phẩm ngay trong khuôn viên chợ, mang đến nhiều kiến thức bổ ích như phố biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP ngành công thương, giới thiệu các điều kiện đảm bảo ATTP và nêu lên mối nguy về ATTP và cách phòng ngừa; đồng thời các cơ sở tham gia ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi kinh doanh hàng hóa trên địa bàn chợ.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra ATTP tại chợ An Cựu

Chị Nguyễn Thị Hoài, kinh doanh hàng thịt thừa nhận, lâu nay chị đến chợ chỉ để bán hàng, còn các vấn đề liên quan đến ATTP hay nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bảo vệ môi trường thì không quan tâm.

“Sau khóa tập huấn, giờ chị đã nắm bắt những kiến thức cơ bản để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng như bán hàng có nguồn gốc xuất xứ, có dấu kiểm dịch và được hướng dẫn cách nhận biết thực phẩm không an toàn rất hữu ích”, chị Hoài chia sẻ. 

Giám đốc Sở Công thương- ông Nguyễn Thanh khẳng định, đảm bảo ATTP đến tay người tiêu dùng là yêu cầu hàng đầu của ngành công thương, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Hiện, sở đang chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm; tiến hành nhắc nhở xử lý các cơ sở không thực hiện các quy định về ATTP như hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; không dán nhãn mác, in hạn sử dụng lên sản phẩm và không tuân thủ các quy định về vệ sinh ATTP.

“Để đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng là nhiệm vụ chung của các ban ngành, như y tế, nông nghiệp, ban quản lý các chợ và bản thân người tiêu dùng. Nếu các ban ngành hoặc người tiêu dùng phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn sản xuất và kinh doanh hàng hóa không đảm bảo các tiêu chí ATTP thì báo ngay cho các cơ quan chức năng, nhằm chung tay bảo vệ sức khỏe và đẩy lùi tình trạng kinh doanh các sản phẩm không an toàn. Năm 2018, sở tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra; hậu kiểm và xử lý triệt để các vi phạm pháp luật về ATTP”, ông Thanh nhấn mạnh.  

Năm 2018, để cải thiện tình trạng mất ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, Sở Công thương triển khai nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp tập trung được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức ATTP cho các nhóm đối tượng, trong đó phấn đấu 85% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và 95% người quản lý có kiến thức và được xác nhận kiến thức ATTP; 45% cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô tập trung áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP như GMP, HACCP, ISO 9001, ISO 22000…

Năm 2017, Sở Công thương đã tổ chức 3 khóa tập huấn cho 500 cán bộ ban quản lý các chợ và các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh liên quan đến ATTP, các mối nguy về ATTP và cách phòng ngừa, bảo vệ môi trường và tuyên truyền tác hại của túi ni-lông khó phân hủy.

Bài, ảnh: Thanh Hương