Theo đó, Đông Nam Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn nhờ sự kết hợp của xuất khẩu mạnh mẽ và nhu cầu trong nước vững chắc.

Tăng trưởng được dự báo mở rộng ở các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á trong năm 2018. Ảnh: Nikkei

So với cuộc khảo sát trước đó được thực hiện hồi tháng 9 vừa qua, các nhà kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng giai đoạn 2017-2018 đối với những nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, phản ánh sức mạnh của xuất khẩu điện tử và hiệu quả của các nền kinh tế trong nước.

Cuộc khảo sát thu thập câu trả lời cho 43 câu hỏi của các nhà kinh tế và nhà phân tích trong 5 thành viên lớn nhất của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan (ASEAN 5).

Dự báo tăng trưởng trung bình cho ASEAN 5 được điều chỉnh tăng 0,2 điểm lên 5,0% so với cuộc khảo sát hồi tháng 9. Đây là cuộc khảo sát thứ 4 liên tiếp kể từ tháng 3 mà các dự báo tăng trưởng được nâng lên.

Nhận định về nền kinh tế Singapore, ông Manu Bhaskaran, Giám đốc điều hành Hãng tư vấn kinh tế Centennial Asia Advisors nói: "Nhu cầu toàn cầu tăng lên sẽ tiếp tục hỗ trợ sự mở rộng nhờ xuất khẩu”. Trong khi đó, ông Amonthep Chawla của Ngân hàng CIMB Thái Lan cho biết: "Nền kinh tế Thái Lan dự kiến ​​tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn, trong bối cảnh xuất khẩu và du lịch mạnh mẽ".

Đối với Malaysia, ông Euben Paracuelles của Công ty Nomura Singapore lưu ý: "Tăng trưởng mạnh lên trong năm 2017, cùng cả động cơ bên trong và bên ngoài giúp thiết lập một bàn đạp vững chắc vào năm 2018".

Bên cạnh đó, các yếu tố nội địa mạnh mẽ có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng liên tục cho Indonesia và Philippines. Tăng trưởng ở Indonesia được dự báo tăng lên 5,4% trong năm tới. Philippines được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng 6,7% vào năm 2018.

Ông Victor Abola thuộc Đại học châu Á và Thái Bình Dương ở Philippines cho hay: “Nhu cầu trong nước đang lấy lại sức mạnh khi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Chính phủ đang gia tăng”.

Trong một động thái liên quan, ông Juniman của Ngân hàng Maybank Indonesia tin tưởng, sự mở rộng của nền kinh tế Indonesia đang được tiếp tục nhờ "tăng trưởng mạnh mẽ trong chi tiêu hộ gia đình, chi tiêu Chính phủ, thương mại và đầu tư".

Ngoài ra, ông Randolph Tan thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS) cũng nói rằng, lạm phát dự kiến tiếp tục tăng lên vào năm 2018 ở Philippines, Singapore và Thái Lan, sau khi tăng mạnh vào năm 2017, phản ánh khả năng tăng giá dầu và sự mở rộng kinh tế.

Tuy nhiên, những rủi ro do các nhà kinh tế xác định cũng rộng hơn nhiều so với trước đây. Mức độ nguy cơ khác nhau đối với từng quốc gia. Trong đó, sự bất ổn về chính trị là một trong những nguy cơ ở nhiều quốc gia. Đây là rủi ro lớn nhất ở Thái Lan và lớn thứ 2 ở Ấn Độ và Philippines.

Đáng chú ý, chính sách tiền tệ của Mỹ được coi là 1 trong 3 rủi ro hàng đầu ở Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ. "Chủ nghĩa khủng bố hay các nguy cơ địa chính trị" là nguy cơ lớn nhất ở Singapore. Lạm phát gia tăng được xem là nguy cơ lớn thứ 3 ở Philippines.

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ Nikkei, AEC News Today & JCER)