Đánh giá của Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) cho biết điều này xảy ra một phần do thay đổi các mô hình thời tiết, dẫn tới sản lượng cây trồng kém và tổn thất về vật nuôi, xung đột và hạn hán liên tục.
Máy cày giá cả phải chăng giúp nông dân Nigeria gia tăng sản lượng. Ảnh: Agrobusiness Times
An ninh lương thực thậm chí vẫn xảy ra khi tất cả mọi người, ở mọi thời điểm, đều có đủ thức ăn để đáp ứng nhu cầu ăn của mình. Khi đưa ra kết luận về tình trạn “an ninh lương thực” của các quốc gia, các nhà phân tích xem xét sự kết hợp của tính sẵn có, tiếp cận và sử dụng lương thực.
Mauritius, Nam Phi, Ghana, Namibia và Senegal nằm trong top 10 quốc gia có tình trạng an ninh lương thực tốt nhất trên lục địa này. Điều này có được nhờ việc sử dụng các giống cây trồng và công nghệ sản xuất nông nghiệ mới.
Nhưng cuối cùng khả năng đạt được an ninh lương thực lại phụ thuộc vào ý chí chính trị, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước và các chiến lược quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Mặc dù sự gia tăng bất ổn về lương thực trong năm 2017 đang gây thất vọng, một số nước châu Phi đã cho thấy những tiến bộ trong thập kỷ qua. Và có một số sáng kiến từ năm nay xứng đáng được ghi nhận vì những gì mà chúng đã gặt hái được.
Cải tiến và công nghệ
Một số nước cho biết sản lượng lương thực tăng lên nhờ việc áp dụng các công nghệ hiện đại do các chính phủ, cơ quan viện trợ hoặc các doanh nghiệp cung cấp, bao gồm:
• Áp dụng các giống cây/con cải tiến
• Sử dụng trang thiết bị hiện đại, và
• Sử dụng phân bón hoặc có các thực hành tốt hơn như nông nghiệp bảo tồn
Ví dụ, ở Ethiopia, nông dân tăng sản lượng lúa mỳ lên 14% nhờ vào các công nghệ nông nghiệp mới hơn. Ở Rwanda, nông dân cho biết năng suất tăng nhờ ứng dụng công nghệ tưới tiêu sử dụng năng lượng mặt trời. Tại Nigeria, sản lượng nông nghiệp tăng nhờ các nông hộ nhỏ biết sử dụng các máy kéo thông minh và giá cả phải chăng. Và tại Kenya, việc thực hiện nông nghiệp bảo tồn đã được nhân rộng, mang lại năng suất cao hơn.
Quan trọng không kém là sự tăng cường đổi mới về mặt tài chính. Để nâng cao năng suất và đạt được an ninh lương thực, nông dân phải có khả năng đầu tư vào công nghệ.
Tuy nhiên, nhiều nông dân châu Phi hiện vẫn sống dưới mức nghèo khổ. Họ hiếm khi có thể vay mượn được tiền từ các tổ chức tài chính chính thức vì không có tài sản thế chấp. Hiện nay, chỉ có 6% tổng tín dụng ngân hàng trên lục địa này được rót vào nông nghiệp.
Cuộc cách mạng Mobile Money ở Tanzania đã giúp quốc gia này có gần 30 triệu thuê bao có khả năng chi trả qua điện thoại di động. Ảnh: Courtery Picture
Tanzania giải quyết thách thức này bằng cách đưa ra một bộ công cụ cho phép nông dân trả trước cho các đầu vào nông nghiệp chiết khấu sử dụng dịch vụ chi trả di động. Nông dân cũng được cung cấp các kế hoạch tùy chỉnh giúp họ biết được làm thế nào để tối đa hóa năng suất cây trồng.
Chính sách mới
Năm nay một số nước châu Phi đã giới thiệu và củng cố các chính sách nông nghiệp mới. Các chính sách này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện an ninh lương thực. Ví dụ, các chính sách có thể giảm chi phí đầu vào nông nghiệp bằng cách đưa ra các khoản trợ cấp. Hoặc có chính sách phân bổ các nguồn lực theo cách có lợi cho nông dân - như xây dựng đường sá cho việc tiếp cận thị trường.
Chính phủ Nigeria xứng đáng được hoan nghênh với một số sáng kiến quan trọng mà họ đưa ra trong năm nay.
Đầu tiên, quốc gia này đã ban hành Chính sách Quốc gia về Thực phẩm và Dinh dưỡng với ngân sách 92 tỷ Naira (290 triệu USD) cho ngành nông nghiệp. Các chính sách cũng được ban hành để cho nông dân tiếp cận với các đầu vào nông nghiệp và cung cấp cho họ những trang thiết bị hiện đại với mức giá trợ cấp. Một ví dụ đó là sáng kiến cung cấp 4 triệu bao phân bón cho nông dân với giá phải chăng. Điều này có nghĩa là nhiều nông dân có thể mua phân bón hơn, đem lại cho họ năng suất cao hơn.
Xét về mặt chính sách, năm 2017 lại là một năm khả quan cho thủy lợi.
Chỉ 7% diện tích của Châu Phi được cung cấp nước. Trong trường hợp của Nigeria, diện tích có thể làm thủy lợi được là 21 triệu ha (khoảng bằng diện tích nước Ý) - với chỉ 200.000 ha hiện đang được tưới tiêu.
Năm nay, chính phủ Nigeria hoàn thành các dự án thủy lợi trên 33.000 ha đất.
Và mọi thứ thậm chí sẽ được cải thiện hơn nữa sau thông báo của Ngân hàng Thế giới rằng họ sẽ đầu tư 495 triệu USD vào việc cải thiện hệ thống thủy lợi nông nghiệp.
Trong khi đó ở Rwanda, chính phủ đã cam kết tăng cường các sáng kiến thủy lợi để giúp người dân đối phó với biến đổi khí hậu. Hơn 44.000 ha đất sẽ được phát triển với cơ sở hạ tầng tưới tiêu chính thức – tương đương diện tích của khoảng 82.000 sân bóng đá.
Tại Malawi, chính phủ đã phát động một sáng kiến tương tự để ‘phủ sóng’ hệ thống tưới tiêu cho 100.000 ha đất trên khắp cả nước – tức khoảng 187.000 sân bóng đá.
Do thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong cải thiện an ninh lương thực, những sáng kiến này sẽ tiếp tục đặt nền tảng thiết yếu cho việc tiến tới an ninh lương thực.
Vì vậy, mặc dù số lượng người phải chịu cảnh mất an ninh lương thực ở Châu Phi đã tăng lên trong năm nay, việc khám phá ra các công nghệ và chính sách mới có hiệu quả là rất quan trọng cho tương lai của lục địa này. Năm nay, những lợi ích này là nhờ các can thiệp của chính phủ và các công nghệ nông nghiệp hiện đại. Điều này giúp nông dân cải thiện năng suất, qua đó cho phép các nước châu Phi đạt được những bước tiến về an ninh lương thực.
Thế Vĩnh (lược dịch từ The Conversation)