Tình trạng "khẩn cấp về rác thải" được tuyên bố trên các bãi biển Jimbaran, Kuta và Seminyak. Ảnh: AFP

Tình trạng khẩn cấp

Đó là những mẫu ống hút nhựa và bao bì thực phẩm nằm rải rác giữa người tắm nắng, trong khi người lướt sóng thì phải né rác thải tràn ra từ các con sông hoặc bị cuốn theo những dòng xoáy.

Theo bà Vanessa Moonshine, một du khách người Áo: "Khi tôi muốn bơi, đây là điều không thực sự tốt đẹp. Tôi thấy rất nhiều rác ở đây, mọi ngày, mọi lúc. Nó đến từ đại dương, thực sự khủng khiếp”.

Từng được xem là thiên đường trên trái đất, hòn đảo nghỉ mát của Indonesia giờ đây trở thành một vấn đề đáng lo ngại liên quan đến rác thải của nước này.

Những đợt sóng rác thải nhựa đổ vào các con sông và đại dương gây ra hàng loạt vấn đề trong nhiều năm, làm tắc nghẽn đường thủy ở các thành phố, tăng nguy cơ lũ lụt và làm bị thương hoặc giết chết động vật biển, khi chúng ăn phải hoặc bị mắc kẹt bởi bao bì nhựa.

Vấn đề trở nên tồi tệ đến mức, các quan chức tại Bali hồi tháng trước tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về rác thải" trên một bờ biển dài 6 km, bao gồm các bãi biển nổi tiếng là Jimbaran, Kuta và Seminyak.

Nhân viên dọn vệ sinh thu gom rác thải trên biển mỗi ngày. Ảnh: AFP

Các quan chức cũng triển khai 700 nhân viên dọn vệ sinh và 35 xe tải để loại bỏ khoảng 100 tấn mảnh vụn rác thải mỗi ngày đến một bãi rác gần đó.

"Những người có bộ đồng phục màu xanh lá cây đang thu gom rác, nhưng ngày hôm sau tôi cũng thấy tình hình tương tự", ông Claus Dignas, một du khách người Đức tuyên bố. 

Ông Dignas nói thêm: "Tôi thấy nhiều rác hơn mỗi lần đến thăm hòn đảo này. Không ai muốn ngồi trên những chiếc ghế đẹp mà phải đối diện với những đống rác này".

Ông Putu Eka Merthawan đến từ cơ quan môi trường địa phương cho hay, vấn đề rác thải của Bali đang ở tình trạng tồi tệ nhất; đồng thời khẳng định: "Rác thải không đến từ những người sống ở Kuta và các khu vực lân cận".

Cuộc chiến với rác

Cách thành phố Kuta khoảng 72km, núi lửa Agung gây đe doạ trong vòng 2 tháng, khiến khách du lịch phải hủy các chuyến đi và hàng chục ngàn dân làng sống trong bán kính 10 km từ miệng núi lửa phải di dời.

Vấn đề rác thải của hòn đảo cũng là mối đe dọa không kém, I Gede Hendrawan, một nhà nghiên cứu hải dương học môi trường thuộc đại học Udayana của Bali cho biết.

Chính phủ Indonesia cam kết giảm 70% rác thải nhựa trên biển đến năm 2025. Ảnh: AFP

Ông Hendrawan nói với hãng tin AFP rằng: "Rác thải gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ cho khách du lịch, nhưng vấn đề chất thải nhựa đang nghiêm trọng hơn. Microplastics ( vi hạt nhựa) có thể gây nhiễm độc cho cá, nếu chúng ta ăn phải những con cá này, chúng có thể gây ra các vấn đề về sức khoẻ bao gồm cả bệnh ung thư".

Indonesia là một trong gần 40 quốc gia tham gia Chiến dịch làm sạch môi trường biển của Liên Hiệp quốc (LHQ), nhằm mục đích ngăn chặn thủy triều rác thải nhựa làm ô nhiễm các đại dương.

Theo cam kết của mình, Chính phủ nước này cam kết giảm 70% rác thải nhựa trên biển đến năm 2025. Họ cũng lên kế hoạch tăng cường các dịch vụ tái chế, hạn chế sử dụng túi nhựa, khởi động các chiến dịch dọn sạch và nâng cao nhận thức của công chúng.

Tuy nhiên, quy mô của vấn đề mà Indonesia đang đối mặt là rất lớn, do dân số hơn 250 triệu người nhưng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải lại kém.

Ông Hendrawan cũng cho rằng, cả người dân địa phương và khách du lịch đều chịu trách nhiệm về vấn đề rác thải của hòn đảo, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách đầu tư thêm nguồn lực để giải quyết vấn đề này.

"Chính phủ Bali nên dành nhiều ngân sách hơn để nâng cao nhận thức của người dân để quản lý các con sông địa phương, chứ không phải đổ rác thải xuống đó. Chính phủ Trung ương nên đẩy mạnh chiến dịch giảm sử dụng bao bì nhựa và cấm túi nhựa miễn phí tại các cửa hàng tiện lợi", ông Hendrawan nói thêm.

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & Straitstimes)