Lượng phát thải KNK từ sản xuất nông nghiệp năm 2000 khoảng 65 triệu tấn CO2 eq, năm 2011 tăng lên 110 triệu tấn CO2 eq và dự kiến hơn 114,4 triệu tấn CO2 eq năm 2020. Trong đó, sản xuất lúa nước và chăn nuôi là hai lĩnh vực chính gây phát thải KNK với tỷ lệ ước tính từ 70-80% KNK trong nông nghiệp.

 Một số hộ chăn nuôi gia súc ở xã Lộc Hòa (Phú Lộc) áp dụng khẩu phần ăn hợp lý cho đàn bò để hạn chế ô nhiễm

Riêng lượng phát thải KNK từ sản xuất lúa chiếm tỷ lệ lớn nhất (46,8%) trong tổng số phát thải KNK từ sản xuất nông nghiệp. Trong sản xuất lúa nước, nông dân sử dụng phân đạm làm tăng tỷ lệ thất thoát N2O và khi gieo sạ dày kết hợp duy trì ngập nước thường xuyên trên ruộng gây phát thải CH­4 và việc đốt rơm rạ sau thu hoạch gây phát thải CO2.

Đối với chăn nuôi, nguồn phát thải gồm CH4 và N2O từ chất thải chăn nuôi và quá trình tiêu hóa ở dạ cỏ động vật nhai lại. Trong đó, lượng phát thải KNK từ chăn nuôi chiếm khoảng 27,5%, từ lên men dạ cỏ của gia súc nhai lại khoảng 17% và phân gia súc khoảng 10,7%.

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, chế độ ngập nước không liên tục so với ngập nước liên tục trên ruộng lúa sẽ hạn chế phát thải CH4 do sự thay đổi chế độ nước kéo theo sự thay đổi chế độ khí, nhiệt độ và Eh (điện thế oxy hóa- khử) của môi trường đất. Việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm sử dụng phân hóa học cũng sẽ giảm phát thải N2O. Nguồn phân hữu cơ có thể tận dụng từ rơm rạ và phân vật nuôi, vừa giúp hạn chế phát thải khí CO2 khi đốt rơm rạ.

Thừa Thiên Huế có diện tích gieo trồng lúa nước khoảng 50.000 ha/năm, tổng đàn lợn, trâu, bò hơn 265.600 con và đàn gia cầm khoảng 2,7 triệu con, với khoảng 103 nghìn hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại, hộ gia đình, nên lượng phát thải KNK rất đáng kể. Để giảm thiểu lượng phát thải và hạn chế ô nhiễm môi trường từ trồng trọt, chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường. Trong đó tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng và xử lý thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, an toàn, đảm bảo môi trường; khuyến cáo sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, phụ phẩm ngay tại đồng ruộng để trả lại lượng mùn, chất hữu cơ cho đất, hạn chế đốt rơm, rạ.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra, rà soát và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, hạn chế và tiến đến không phát triển chăn nuôi trong khu vực tập trung đông dân cư. Tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học và hướng dẫn người dân chăn nuôi trên đệm lót sinh học, xây dựng hầm biogas. Việc điều chỉnh khẩu phần ăn hợp lý cho gia súc như giảm thiểu lượng N và P trong chăn nuôi lợn và sử dụng NO3NH4 thay vì urea trong khẩu phần ăn của trâu, bò… sẽ góp phần giảm đáng kể khí CH4.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên