Thi tuyển lãnh đạo là hình thức không mới ở các nước. Ngay ở trong nước, cách đây vài năm, một số bộ ngành, địa phương cũng đã thí điểm thi tuyển chức danh giám đốc, phó giám đốc các sở ngành; cục trưởng, cục phó và tương đương ở các bộ. Tuy chưa có tổng kết cụ thể về hiệu quả việc thi tuyển lãnh đạo ở các bộ, địa phương trên, nhưng qua sơ kết đánh giá của các đơn vị, các ứng viên trúng tuyển đều phát huy năng lực, tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt cương vị được giao. Một hiệu quả có thể thấy gián tiếp là chỉ số năng lực cạnh tranh ở các địa phương, bộ ngành đó luôn đứng ở vị trí cao trong bảng xếp hạng.

Thực tế lâu nay, công tác cán bộ của chúng ta thực hiện rất bài bản, đúng quy trình nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Tình trạng quy hoạch cục bộ, khép kín trong từng ngành, từng đơn vị, địa phương khá phổ biến. Không ít trường hợp được bổ nhiệm “đúng quy trình” mà vẫn sai phạm; một số trường hợp được bổ nhiệm chưa thực sự thuyết phục cả năng lực lẫn phẩm chất đạo đức. Chẳng thế mà dư luận râm ran chuyện chạy chức, chạy luân chuyển. Thực hư không rõ, nhưng cái mất lớn nhất là mất lòng tin của nhân dân.

Khắc phục những hạn chế trên, trong kế hoạch thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Công thương, đối tượng dự thi không chỉ bó hẹp trong phạm vi của sở mà mở rộng cho cán bộ các sở, ngành, địa phương khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và chỉ cần nằm trong quy hoạch chức vụ tương đương chứ không nhất thiết phải nằm trong quy hoạch chức danh Sở Công thương. Một điểm “thoáng” nữa, ngay cả cán bộ, viên chức không phải là đảng viên nếu đủ tiêu chuẩn, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề cử và đồng ý bằng văn bản vẫn có thể tham gia thi tuyển.

Về phía người tham gia thi tuyển, chắc chắn họ phải tự tin có đủ năng lực chuyên môn, có sự trăn trở và chuẩn bị, nhất là chuẩn bị đề án khi đảm nhận chức danh tham gia thi tuyển. Người trúng tuyển phải là một trong những người có đề án thuyết phục được hội đồng, có khả năng đem lại hiệu quả cao.

Tuyển chọn lãnh đạo bằng hình thức thi tuyển là bước đi cụ thể trong việc đổi mới công tác cán bộ của Đảng ta. Thừa Thiên Huế là 1 trong số 36 địa phương, bộ ngành được chọn thí điểm đổi mới tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng theo hình thức thi tuyển. Theo đó, sắp tới việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo sẽ được mở rộng, không chỉ tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người mà còn giúp các cơ quan, đơn vị chọn được người có tài để đảm đương công việc, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Hoàng Giang