Hơn 350 doanh nghiệp, tập đoàn đã quyết định thành lập, mở chi nhánh tại Thừa Thiên Huế, trong đó có những tên tuổi như EcoPark, Vingroup, BRG... 70 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng dự kiến trong năm 2017 chắc sẽ về đích khi đến đầu tháng 12 vừa qua, đã có 54 dự án trong nước và 6 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.648 tỷ đồng (gấp 1,7 lần về lượng và tăng 2,3% về vốn).

Thừa Thiên Huế đang đón nhận ngày càng nhiều dự án lớn. Ảnh: Nông Thanh Toàn  

Khoảng 700 doanh nghiệp được thành lập mới trong năm 2017, tăng 4,5% (so với năm 2016) với tổng số vốn đăng ký hơn 6.500 tỷ đồng và con số này cũng tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Trong khi đó, 196 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong các năm trước đã quay trở lại là một tín hiệu ấm khác trong lĩnh vực hoạt động này.

Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi, chúng ta đã có những thành quả gì sau năm thứ hai thực hiện “Năm doanh nghiệp” cần đến những cái nhìn tổng hòa khác, được đặt trong các mối quan hệ mang tính tạo cơ hội và thúc đẩy lẫn nhau. Trong đó, điều quan trọng nhất là việc tạo ra những điều kiện cũng như xem xét lại các điều kiện từ chủ trương của chính quyền đến việc thực thi của các cơ quan chức năng. Trong phương diện này, có thể ghi nhận về những nảy sinh, vướng mắc được lắng nghe để tháo gỡ qua các kênh tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân, doanh nghiệp trên cơ sở hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thay cho tư duy quản lý doanh nghiệp trước đó. Bên cạnh đó là những chuyển động “trông thấy được” từ cải cách hành chính mang tính trọng điểm. “Đấu nối” được trên một “mặt bằng” thông thoáng hơn giữa kỷ cương, kỷ luật hành chính và tinh thần, thái độ trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức hành chính... để đạt cho được mục tiêu nhắm đến: sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, tạo hiệu ứng tốt hơn đối với doanh nhân và các nhà đầu tư. Đây đồng thời cũng là một cách để tiếp cận và huy động cao hơn các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.  

Thừa Thiên Huế đang đón nhận ngày càng nhiều dự án lớn. Ảnh: Nông Thanh Toàn  

Một cách kiên quyết hơn, tỉnh đã thu hồi 1 dự án và đặt cảnh báo đến 24 dự án khác trước mốc thời gian 31/12/2017 nếu không triển khai; đồng thời yêu cầu nhà đầu tư của 29 dự án thuộc diện giám sát đặc biệt phải cam kết lại tiến độ, ký quỹ đảm bảo thực hiện. Đây được xem là động thái mạnh mẽ nhất từ trước đến nay tại Thừa Thiên Huế, một phần là để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực có thể triển khai tốt dự án nhưng mặt khác, là chấn chỉnh tình trạng “nhảy dù” vào quỹ đất thông qua một dự án với năng lực có phần mơ hồ nào đó; đồng thời giải phóng quỹ đất, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác tiếp cận đất đai, đầu tư dự án và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Báo cáo tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân phiên cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã một lần nữa khẳng định vị thế cũng như trình độ quản trị, năng lực tiếp cận thị trường của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn được củng cố. Từ đó, xây dựng và cải thiện mối quan hệ ngày một tốt hơn giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.

Thừa Thiên Huế đang đón nhận ngày càng nhiều dự án lớn. Ảnh: Nông Thanh Toàn  

Nhưng cũng phải nhận thấy, bên cạnh những chuyển động mang tính mấu chốt này trong năm doanh nghiệp 2017 và cả năm 2016 trước đó, hoạt động cũng như sự tham gia vào việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thấp. Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2017 của Ban Kinh tế - ngân sách (HĐND tỉnh) cho thấy, lũy kế dự án ngoài ngân sách đầu tư trên địa bàn khu kinh tế, các khu công nghiệp tăng rất thấp qua các năm về số dự án, vốn đăng ký và vốn thực hiện. Trong một tương quan so sánh, nếu năm 2014 có 124 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký 56.429 tỷ đồng, vốn thực hiện so với vốn đăng ký đạt 28,34% thì đến cuối năm 2017 chỉ tăng được 20 dự án, vốn đăng ký tăng 13.051 tỷ đồng và vốn thực hiện so với vốn đăng ký cũng chỉ đạt suýt soát 30%. Mặc dù kiên quyết, song tại các khu kinh tế, các khu công nghiệp, số dự án thu hồi mong muốn tiếp tục còn quá ít. Nhiều dự án ngoài khu công nghiệp vẫn chưa có động thái triển khai.

Dựa vào doanh nghiệp được xem là nền tảng cơ bản trong phát triển kinh tế. Dựa trên tính nền tảng này, sẽ thấy còn nhiều việc phải tiếp tục được đặt ra trong việc thúc đẩy môi trường đầu tư, nhằm mời gọi được những doanh nghiệp thật sự có tiềm lực, thật sự đột phá trong đầu tư và phát triển, nhất là ở lĩnh vực dịch vụ du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ cao... bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác.

MINH HÀ