Thành ủy Huế trao Huy hiệu Đảng ghi nhận sự đóng góp của các đảng viên cao tuổi. Ảnh: Anh Phong

Những năm qua, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức được nâng cao, tư duy được đổi mới, tư tưởng được thống nhất hơn, tạo được sự nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận trong Nhân dân đối với những vấn đề lớn, cơ bản trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, khiến cho một số cán bộ, đảng viên dao động, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Qua Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, một lần nữa Đảng ta đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức thực chất là để “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Như vậy, về bản chất không thay đổi mà chỉ đi sâu hơn vào vấn đề cấp thiết hiện nay. Trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách.

Công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ tỉnh đã và đang tập trung trên nhiều mặt. Đó là kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Xây dựng Đảng về chính trị đòi hỏi nâng cao trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và năng lực hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với quy luật khách quan, đặc điểm của Việt Nam, tạo bước đột phá để phát triển. Hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình, phê bình, chất vấn trong nội bộ Đảng. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao tính chiến đấu và hiệu quả của công tác tư tưởng. Đổi mới công tác tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tích cực chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong nội bộ Đảng. 

Thực tiễn hiện nay cho thấy, tổ chức bộ máy của Đảng và toàn hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; chức năng, nhiệm vụ ở một số tổ chức còn chồng chéo; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Xây dựng Đảng về đạo đức luôn gắn liền, nằm trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức nhưng nay được gọi tên, được đặt ngang hàng đã thể hiện ý chí của Đảng là đề cao, coi trọng đạo đức. Việc bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay, khi tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp.

Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng là vấn đề cần quan tâm hơn nữa. Bởi hiện nay chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm chưa cao, chưa đủ sức góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ Đảng; nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức Đảng, đảng viên chậm được phát hiện, kiểm tra, xử lý, hoặc xử lý kéo dài, nên kỷ cương, kỷ luật ở một số nơi chưa nghiêm.

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm và nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị. Phải kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, không bao che, dung túng và không can thiệp, không được ngăn chặn việc chống tham nhũng, lãng phí.

Xây dựng Đảng là nhiệm vụ cơ bản thường xuyên, cũng là nhiệm vụ then chốt trong giai đoạn hiện nay. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tập trung làm rõ và nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống để từ đó đề ra các hoạt động thực hiện công tác chuyên môn, nhất là các chính sách của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng lớn đến mọi người dân; tôn trọng, lắng nghe và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.

PHAN CÔNG TUYÊN