Ảnh minh hoạ. Ảnh: IFAD

"Cải thiện tập quán canh tác, động vật khoẻ mạnh và cuối cùng là tăng cường an ninh lương thực sẽ là những kết quả đạt được”, IAEA khẳng định.

Được hỗ trợ bởi khoản tài trợ trị giá 600.000 USD do OFID, Quỹ Phát triển quốc tế của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sáng kiến ​​của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Liên Hiệp quốc (LHQ) nhằm góp phần tăng cường việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững 2 về chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, đồng thời thúc đẩy nông nghiệp bền vững.

Sản xuất thêm gạo

Khoảng 2/3 số tiền trợ cấp sẽ được sử dụng để giúp nông dân trồng lúa có thể đối phó tốt hơn với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Bangladesh, Campuchia, Lào và Nepal.

Các quốc gia ở châu Á, nơi sản xuất ra 90% lượng gạo trên thế giới đã chứng kiến ​​sản lượng thay đổi thất thường trong những năm gần đây, do nhiệt độ tăng lên, dẫn đến những dịch bệnh mới đối với cây trồng và côn trùng gây hại, lũ lụt và hạn hán khắc nghiệt, cũng như sự gia tăng mực nước biển làm tăng độ mặn của đất và độ màu mỡ của đất lại thấp hơn ở những vùng ven biển.

IAEA cũng cho hay: "Bằng cách sử dụng những kỹ thuật hạt nhân và đồng vị, các nhà khoa học có thể giúp nông dân nâng cao biện pháp quản lý nước và tối ưu hóa việc sử dụng phân bón cho năng suất tốt nhất với chi phí thấp nhất".

Năng suất tăng lên từ những tập quán cải tiến này dự kiến ​​dẫn đến khối lượng lớn hơn gạo chất lượng cao với giá cả phải chăng, tăng cường an ninh lương thực cho người dân nông thôn ở các quốc gia được nhắm mục tiêu. Các công nghệ cải tiến cũng sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất lúa gạo.

Chống lại bệnh động vật

Phần còn lại của nguồn quỹ nói trên sẽ hướng tới việc áp dụng các kỹ thuật hạt nhân liên quan để chẩn đoán bệnh lở mồm long móng và những căn bệnh truyền nhiễm nhanh khác đang tác động đến gia súc ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

IAEA cho biết thêm: “Việc phát hiện sớm và nhanh chóng mầm bệnh động vật là chìa khóa để ngăn chặn sự lây lan của những bệnh này. Trong khi các phương pháp truyền thống có thể phát hiện ra virus, nhưng phải mất một thời gian dài và không thể xác định được hành vi hoặc đặc tính di truyền của chúng. Điều này là cần thiết cho việc phản ứng nhanh".

Theo đó, IAEA sẽ phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) để đào tạo các bác sĩ thú y từ 4 quốc gia trong việc chẩn đoán và kiểm soát những căn bệnh này.

Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)