67. Và đó là số người không còn được sống nữa trong ba ngày nghỉ dịp tết Dương lịch vừa qua trên địa bàn cả nước, tập trung nhiều nhất ở các đô thị. Tôi không biết người ta cảm thấy điều gì khi đọc điều này, chỉ vì lâu nay, những điều tương tự như thế vẫn thường được cập nhật, sau mỗi kỳ nghỉ lễ. Dù có thể được xem là cần thiết, để đánh động một điều gì đó đối với cộng đồng trước những vấn nạn đã, đang và sẽ còn tiếp tục xảy ra trong an toàn giao thông nhưng chắc chắn, đó là những bản tin lạnh lẽo.

Tôi cũng không rõ có bao nhiêu người đã chọn cách nghỉ tại chỗ, tránh xê dịch, hay đã có một doanh nghiệp nào có phương thức tổ chức một kỳ nghỉ an toàn hơn cho nhân viên của mình như một cách đối phó hay chưa (điều này nếu có chắc cũng là hy hữu)… nhưng rõ ràng, ẩn họa đã trở nên dày đặc hơn khi tham gia giao thông ở các kỳ nghỉ lễ. Nó có thể đến khi người ta di chuyển trên các phương tiện cơ giới. Dẫu sao thì, việc xê dịch trong những ngày nghỉ là điều chẳng đặng đừng. Tôi nghĩ đến điều đó vì trong dòng người nườm nượp nhào ra khỏi thành phố rồi lại nườm nượp đổ vào sau kỳ nghỉ là một trạng thái đương nhiên. Người ta liệu sẽ có sự lựa chọn nào khác khi không phải lúc nào cũng có quỹ thời gian để trở về thăm cha mẹ, anh em, con cái; và ngay cả khi dùng khoản thời gian ít ỏi cho một điểm đến, đó hẳn cũng là một ngày nghỉ giữa tất bật. Với một khoản tiền thưởng nhỏ, hoặc một khoản dành dụm cho một sự tranh thủ khiêm tốn.

Nhưng ẩn họa và rủi ro thường đến với những người ít có cơ hội dành cho mình một phương tiện tốt hơn, tiện nghi hơn. Và trong dòng người ào ào trở về từ các ngả đường, họ đôi khi va vào nhau, hoặc bị va đập, bị gây tai nạn từ những phương tiện khác trong trạng thái mất kiểm soát, vì nhiều lý do khác nhau. Chia ly. Cách biệt. Đau đớn. Cả những sang chấn mà không phải ai cũng có thể vượt qua.

Dù cuộc sống vẫn chảy đi. Không ngừng. Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ phải chấp nhận mãi tình trạng này? Có giải pháp nào không?

Dù là người trong nghề, nhưng nói thật là tôi thấy sợ hãi trước sự so sánh ở những bản tin như thế này. Phải là một điều gì khác chứ. Con người chứ có phải một vật thể, cấu kiện, số lượng… nào đó đâu mà tăng hay giảm so với năm trước! Có cách nào nhân văn hơn không mà cứ phải dùng những động từ, thán từ cũng đã nhàm và đáng sợ kiểu như kêu gào, khóc thét, vật vã, chết ngất… khi đứng bên ngoài nhìn vào nỗi đau xé khi mất đi người thân của một ai đó.

Không chỉ con số, tình trạng, mà cả câu chữ nữa cũng trở nên vô cảm một cách đáng sợ rồi.

Nguyễn Anh Dân