Công nhân làm việc tại nhà máy Canon Bắc Ninh. Ảnh: VIR

Sản lượng tăng

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có những kết quả tích cực, khi sản lượng tăng trưởng trở lại trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh hơn. Chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tăng lên mức cao trong 3 tháng là 52,5 điểm trong tháng 12/2017, so với mức 51,4 điểm hồi tháng 11/2017.

Theo đó, một nhân tố dẫn đến sự cải thiện về điều kiện hoạt động là sản lượng tăng trưởng trở lại. Mức tăng khiêm tốn của sản lượng trong tháng 12 có được sau khi gần như không thay đổi trong tháng 11. Điều này được cho là nhờ nhu cầu thị trường mạnh lên và số lượng đơn đặt hàng mới nhiều hơn. Nhu cầu khách hàng được cải thiện giúp số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh, đây cũng là mức tăng nhanh nhất trong vòng 3 tháng.

Đáng chú ý, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài tăng mạnh và nhanh hơn trong tháng cuối cùng của năm ngoái. Nhu cầu khách hàng tăng cũng giúp củng cố mức độ lạc quan về triển vọng sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tiếp theo. Ngoài ra, mức độ lạc quan trong kinh doanh trong tháng 12/2017 cũng được cải thiện thành mức cao trong 9 tháng.

Triển vọng tốt

Yêu cầu về sản lượng tăng lên góp phần tăng việc làm tháng thứ 21 liên tiếp trong các nhà sản xuất Việt Nam, tốc độ tạo việc làm mạnh nhất kể từ tháng 9/2017. Những nỗ lực tăng sản lượng cũng góp phần làm tăng hoạt động mua hàng hóa đầu vào.

Ngoài ra, mức tăng đáng kể của hoạt động mua hàng đạt tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2017. Tồn kho hàng mua hầu như không thay đổi sau khi sụt giảm trong tháng 11. Chi phí nguyên vật liệu như dầu lửa và sắt thép, cũng như giá cả của các nhà cung cấp từ Trung Quốc tăng, làm chi phí đầu vào tiếp tục mở rộng trong tháng 12 vừa qua.

Tốc độ lạm phát cũng có ít thay đổi so với tháng 11. Xu hướng này cũng được chứng kiến ở giá cả đầu ra với mức tăng khiêm tốn. Hơn nữa, tồn kho hàng thành phẩm giảm. Các thành viên nhóm khảo sát báo cáo, hàng hóa được sản xuất trực tiếp để bán chứ không phải để tăng tồn kho.

Bình luận về kết quả chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, ông Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát nhận định: "Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có sản lượng tăng trưởng trở lại trong tháng 12/2017, nhờ sự gia tăng mạnh mẽ và nhanh chóng trong các đơn hàng mới. Đây là tin vui sau khi những tháng chứng kiến sự sụt giảm. Nhìn chung, 2017 là một năm tích cực của lĩnh vực sản xuất, khi kết quả PMI trung bình ở mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2011. Chính vì thế, ngành sản xuất Việt Nam có triển vọng tốt khi bước vào năm 2018".

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ Nikkei & Markit Economics)