Niềm vui lần đầu tiên đứa con hơn 40 tuổi mới biết mua hoa tặng mẹ ngày sinh nhật. Thật ra nếu không có lẵng hoa nhỏ ấy, có lẽ bà cũng chẳng có một thoáng tư lự khi ngần ấy năm chẳng biết đến hoa. Bởi tuổi trẻ của bà trôi qua những năm tháng chiến tranh loạn lạc, chồng chất bao khó khăn. Đến khi thảnh thơi thì đã già. Chuyện hoa hiếc, bà chẳng quan tâm nhiều. Thế mà con trai nhắc bà có một niềm vui nho nhỏ trong những ngày đông lạnh rét kéo dài.
Bà nói rằng, hắn là con trai nên ít khi thủ thỉ với mẹ như con gái. Con trai bà chẳng chú trọng biết mẹ thích ăn món gì và chưa bao giờ thắc mắc vì sao áo quần mẹ mặc chỉ toàn tông màu sẫm. Con trai nên ít khi nó vào bếp giúp mẹ. Mấy năm nay, nó ít có thời gian ngồi tâm sự, chuyện trò với mẹ đàng hoàng, dù nhà nó cách nhà bà chỉ vài cây số. Riêng với bà, những lúc nhớ con, nhớ cháu, lại tìm cách nấu những món ngon để gọi con cháu về...
Kể là kể vậy thôi chứ bà không chắp nhặt. Đó là đứa con bà thương nhất, một tình thương của người mẹ dành cho đứa con chịu khổ từ bé. Mới học lớp 4, sau giờ tan học nó đã theo mấy chị ở hàng xóm đi lượm ve chai kiếm tiền mua dép giày và áo quần để mặc. Ngày cuối tuần nó phải thay mẹ chăm sóc cơm nước cho mấy đứa em vì bà phải chạy chợ kiếm tiền. Lớn lên chút nữa đã xa mẹ, xa em theo bố lên Lao Bảo (Quảng Trị) phụ làm nghề hớt tóc. Những năm đầu thập niên 90, đói no cũng chỉ hai bố con lầm lũi trong căn phòng chật chội của khu nhà trọ. Đứa con trai mới học phổ thông đã biết tranh thủ dịp hè qua Lào phụ xe để kiếm thêm tiền giúp mẹ hay thêm vào đóng học phí. Bốn năm học đại học lại tranh thủ bươm chải nơi đô thành để kiếm tiền trang trải tiền ăn, tiền học phí. Rồi thời gian bốn năm đại học đằng đẵng trôi qua nó ngấm bao chuyện vui buồn giữa dòng đời. Ra trường, kiếm việc rồi đến chuyện lấy vợ, xây nhà một tay nó lo toan cả. Gia thế của nó bây giờ chẳng kém ai.
Những cành hoa tươi, qua đôi mắt đầy vết chân chim của một người mẹ, cứ như nụ cười của đứa con trai ngày thơ bé...
Khánh Quan