Sinh viên đại học quốc gia Singapore tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: CNA

Tại các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, tỷ lệ nhập học và mức độ duy trì học tập của học sinh, sinh viên được ghi nhận cao hơn so với các năm trước đây. Tuy nhiên, dẫn đầu danh sách này vẫn là Trung Quốc, theo sau là Ấn Độ. Cụ thể, ước tính đến năm 2020, Trung Quốc chào đón khoảng 37 triệu học sinh, sinh viên và con số này ở Ấn Độ sẽ là hơn 27 triệu người. Đây được xem như một dấu hiệu tốt, tạo tiền đề vững chắc, tạo ra nhiều cơ hội cho giới trẻ phát triển trí tuệ và tiếp cận gần hơn với hệ thống việc làm trong tương lai.

Tuy nhiên, đây là vấn đề mang tính hai mặt với những thách thức đáng kể, điển hình như tại Hàn Quốc, tỷ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp trong độ tuổi từ 25-29 tăng 8,2% trong tháng 11/2016. Mặc dù không phải là số liệu quá cao so với thế giới, nhưng đây là tỷ lệ thất nghiệp cao lịch sử tại khu vực châu Á.

Cốt lõi của vấn đề bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Đơn cử là sự không phù hợp giữa bằng cấp của các cử nhân và nhu cầu của từng ngành nghề, yêu cầu của từng chủ lao động và những hoài nghi về chất lượng giảng dạy tại các cấp nhà trường. Chính phủ các nước dần chuyển đổi hình thức giáo dục truyền thống tại các trường cao đẳng thành hệ thống giáo dục dạy nghề, chuyên tập trung đào tạo, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm cho các thế hệ sinh viên, từ đó cùng lúc hỗ trợ giải quyết nguy cơ thất nghiệp cao...

Tăng cường đầu tư vào các trung tâm giáo dục sáng tạo, tự do

Đặt lợi ích của sinh viên lên đầu, nhiều trường đại học hàng đầu của châu Á đã áp dụng chính sách, kế hoạch nâng cao chất lượng giảng dạy kết hợp cùng xu hướng gia tăng hứng thú trong các chương trình giáo dục thiên về sáng tạo, tư duy. Chính sách này được nhận định là phương pháp đổi mới từ mô hình giáo dục chuyên môn sâu ban đầu sang một lĩnh vực có chiều rộng học thuật cao hơn.

Đây cũng được xem là một bước tiến lớn, dần loại bỏ phong cách giảng dạng mang tính sư phạm truyền thống, thay vào đó là thúc đẩy áp dụng các hình thức đào tạo khác như hướng dẫn, hội nghị, hội thảo. Cách thức giảng dạy mới này được kỳ vọng sẽ nâng cao tính sáng tạo, sự tự tin và kỹ năng phản biện của sinh viên.

Kết hợp với nền giáo dục toàn cầu, Đại học quốc gia Singapore (NUS) đã hợp tác với Đại học Yale (Mỹ) để đưa vào hoạt động Trường cao đẳng Yale-NUS tại Đại học NUS vào năm 2013. Dự án này được thúc đẩy bởi một tầm nhìn chung về phát triển mô hình giáo dục sáng tạo, tự do thông qua hệ thống giáo dục tốt nhất ở Mỹ lồng ghép trong bối cảnh văn hóa của châu Á.

Mục tiêu chủ đạo của việc đưa vào hoạt động tuyến giáo dục này nhằm thu hút học sinh Singapore nói riêng và thế giới nói chung. Không những nâng cao vốn kiến thức, kỹ năng cho sinh viên châu Á mà còn đối với tất cả các sinh viên trên toàn cầu. Đẩy mạnh giáo dục đại học thế hệ mới, là từng bước nuôi dưỡng thế hệ lãnh đạo cho tương lai – tầng lớp tuổi trẻ có cái nhìn cùng đánh giá sâu sắc hơn về châu Á và thế giới, có khả năng nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về mối quan hệ giữa các vấn đề, từ đó áp dụng những kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề theo cách sáng tạo, hiệu quả.

Kết quả của kế hoạch này vô cùng khả quan, khi Trường cao đẳng Yale-NUS nhận được hơn 8.800 đơn xin học bổng cho năm học 2021 từ 250 sinh viên Singapore và các bạn đồng trang lứa khác từ 45 nước trên thế giới. Thêm vào đó, chỉ sau 6 tháng ra trường, 90% cử nhân của khóa tốt nghiệp đầu tiên đã có việc làm ổn định, một số cá nhân đã giành được các học bổng giá trị như Rhodes và Scholarship Schwartzman Scholarship.

Đổi mới theo mô hình học tập nghiên cứu

Trong bối cảnh thế giới đang ngày càng phát triển về nghiên cứu, công nghệ, kinh doanh... châu Á và hệ thống giáo dục ở đây cũng chứng kiến những thay đổi tích cực trong công tác đầu tư về mặt nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Cùng với thế mạnh này, điều quan trọng là thông qua hợp tác nghiên cứu để phát triển giáo dục sâu hơn giữa các trường đại học và các ngành công nghiệp.

Nhìn chung, sự phát triển nhanh chóng của châu Á đang tạo điều kiện tốt để các trường đại học áp dụng hình thức giảng dạy kết hợp với thế mạnh của nghiên cứu để hiểu biết rộng hơn về các ngành nghề trước khi ra trường, từ đó tạo điều kiện tốt để sinh viên có cơ hội tiếp cận dễ dàng với công việc sau này.

HẠNH NHI (Lược dịch từ CNA)