Năm 2018, Thừa Thiên Huế có nhiều điều đáng để kỳ vọng. Ảnh: Nông Thanh Toàn

Năm mới – 2018, kinh tế Thừa Thiên Huế đã có những nền tảng gì, chúng ta kỳ vọng gì cho sự phát triển?

Chúng ta kỳ vọng từ nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Để có sự phát triển thì cần nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố đầu tư vốn. Nói cụ thể ở đây là nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, người dân. Năm 2018, dự ước con số này là 20.000 tỷ đồng. Nếu nhìn vào tổng đầu tư toàn xã hội trong vòng 3 năm trở lại, đây là mục tiêu hoàn toàn có khả năng đạt được, nếu không muốn nói là mục tiêu khá “khiêm tốn”. Năm 2016, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hơn năm 2015 là 1.280 tỷ đồng; năm 2017 tăng hơn năm 2016 là 1.400 tỷ đồng. Trong khi, năm 2018, Thừa Thiên Huế chỉ đặt mục tiêu tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2017. Có lẽ đây là một dự ước “thận trọng”. Dù thế nào thì với một nguồn lực vốn được đầu tư như vậy, hy vọng nó sẽ tạo ra những nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm mới 2018.

Sự hưng phấn trong hoạt động của doanh nghiệp cũng là những tín hiệu lạc quan. Số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động thấp hơn mấy lần so với doanh nghiệp thành lập mới, mở rộng quy mô vốn. Tinh thần khởi nghiệp cũng đã được khơi gợi. Chưa năm nào hai từ “khởi nghiệp” được nhắc đến nhiều như trong năm vừa qua. Có lẽ, đây là một tinh thần được truyền cảm hứng từ thông điệp của Chính phủ và nó đáp ứng đúng kỳ vọng của các địa phương và doanh nghiệp. Thừa Thiên Huế đã ban hành “Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” với những mục tiêu hết sức cụ thể. Như giai đoạn 2017 – 2020 hỗ trợ phát triển ít nhất 30 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Và con số này được nâng cao hơn vào năm 2025. Một cuộc thi cấp tỉnh về khởi nghiệp cũng đã được tổ chức. Các công việc để xây dựng hệ sinh thái cũng được tiến hành. Trong năm 2017, hơn 750 doanh nghiệp cả trong và ngoài tỉnh đăng ký thành lập và đầu tư gợi nên nhiều lạc quan cho năm 2018. Điều đáng mừng là quy mô doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với trước đây.

Ngành dệt may Huế tiếp tục được các doanh nghiệp đầu tư

Một khía cạnh khác cần được nhìn nhận nữa là những lĩnh vực thế mạnh của tỉnh đã phát ra tín hiệu tốt, trong đó có 2 lĩnh vực đáng chú ý: du lịch dịch vụ và công nghiệp dệt may. Hai lĩnh vực này đều có mức tăng trưởng với tốc độ khá tốt trong mấy năm vừa qua và nhất là năm 2017.

Ở lĩnh vực du lịch, lượng khách quốc tế đến Huế tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Con số tuyệt đối là gần 1,5 triệu khách. Có rất nhiều sản phẩm du lịch mới được khai thác làm phong phú hơn cho nội dung văn hóa, giải trí, thưởng thức, điểm đến…

Đối với dệt may, một ngành chiếm đến 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp đầu tư mới và đầu tư mở rộng. Năm 2018 sẽ có thêm 5 nhà máy thuộc ngành dệt may mới đi vào hoạt động, hứa hẹn tạo ra việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Hai ngành du lịch và dệt may sẽ gián tiếp tác động để phát triển các loại hình dịch vụ của tỉnh phát triển.

Một nền tảng khác, không thuộc lĩnh vực kinh tế nhưng có vai trò hết sức quan trọng tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh tế, đó là cải cách nền hành chính. Xây dựng một nền hành chính thuận tiện, minh bạch, hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trung tâm hành chính “một cửa” ở các xã, phường, huyện, thành phố đã thực hiện từ mấy năm trước. Và bây giờ, UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm Hành chính công để giải quyết những vấn đề hành chính thuộc thẩm quyền của tỉnh mà trong đó, quan trọng nhất là các thủ tục thành lập doanh nghiệp và đầu tư.

Lượng khách quốc tế đến Huế tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước

Phương thức giải quyết thủ tục hành chính thông qua internet cũng được hoàn thiện, đẩy mạnh. Chúng ta đều biết, những rào cản hành chính luôn là trở ngại không nhỏ trong hoạt động của doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung trong suốt thời gian dài vừa qua. Bây giờ, với những nỗ lực cải cách từ trung ương đến địa phương, tình hình được cải thiện rất nhiều nhưng chưa thể nói là triệt để. Đặt trong bối cảnh như vậy, chúng ta mới thấy những nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh là điều đáng mừng.

Một năm mới, 2018. Chúng ta đã thấy những yếu tố mới, môi trường mới, động lực mới. Đây là tiền đề để thúc đẩy phát triển. Còn phát triển nhanh hay chậm, có đúng như kỳ vọng của chính quyền, người dân, doanh nghiệp hay không là tùy thuộc vào việc triển khai thực hiện và sự nổ lực, phối hợp tốt giữa các chủ thể nói trên.

Bài: LÊ PHƯƠNG - Ảnh: VÕ NHÂN