Phương pháp được sử dụng trong nhiều thế kỷ qua với việc trồng một vụ mỗi năm trong điều kiện thời tiết thay đổi và sau đó tuyển lọc giống không còn khả thi trong điều kiện khí hậu biến đổi nhanh chóng như hiện nay. Các nhà khoa học quan ngại rằng trong vài năm qua, năng suất giống có rất ít cải thiện.
Tiến sĩ Brande Wulff, Trung tâm John Innes, Norwich, đồng tác giả báo cáo nghiên cứu mới về “nhân giống siêu tốc”. Ảnh: Paul Brown
Một hệ thống mới được gọi là nhân giống siêu tốc, được thiết kế để canh tác 6 vụ một năm, đã được phát triển trong nhà kính để đẩy nhanh quá trình đó. Sử dụng ánh sáng LED để hỗ trợ quá trình quang hợp, các quy trình thâm canh sẽ cho phép cây trồng có thể phát triển 22 giờ mỗi ngày. Loại ánh sáng mới này có chi phí rẻ hơn và hiệu quả hơn nhiều so với việc sử dụng các đèn hơi natri cũ vốn sinh ra quá nhiều nhiệt nhưng không cho đủ ánh sáng.
Các loại cây trồng hiện có thể được canh tác lên đến 6 vụ một năm là lúa mì, lúa mạch, đậu Hà Lan và đậu gà. Riêng cải dầu (canola) thì có thể đạt được 4 vụ.
Với việc sử dụng công nghệ này, các nhà khoa học có thể nghiên cứu cách cây trồng ứng phó với bệnh tật, hình dạng và cấu trúc của chúng và thời gian ra hoa, và chu trình canh tác có thể được lặp lại mỗi 8 tuần.
Hy vọng rằng kỹ thuật này sẽ mang lại những giống cây trồng mới có thể được ứng dụng trên quy mô thương mại trong vòng 10 năm tới. Nếu đạt được điều này, năng suất giống cây trồng sẽ được gia tăng tương tự như cuộc cách mạng Xanh của những năm 1960, thời điểm nhờ sử dụng giống cây trồng mới, phương pháp canh tác hiện đại và phân bón đã cứu sống hàng triệu người khỏi các nạn đói.
Thế Vĩnh (lược dịch từ The Guardian)