Ven sông Bạch Yến vẫn còn khá hoang sơ
Lợi ích từ sông
Để phát huy lợi ích mà sông mang lại, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt để gìn giữ dòng sông một cách tốt nhất, hình thành các đô thị đẹp bên sông.
Anh Lê Quý Quốc - một kiến trúc sư ở Huế nói: “Tôi đã đến một số nước châu Âu như Pháp, Anh, các dòng sông ở đây như sông Sein (Pháp), Theme (Anh) được quy hoạch rất đẹp. Thủ đô Budapest của Hungary, nơi này có con sông Danube đi qua, hai bên bờ sông đoạn qua thành phố đều được kè đá cẩn thận, trở thành những con đường đi bộ đẹp đẽ, để những công trình kiến trúc đẹp nhất thành phố có thể soi bóng trên dòng sông”.
Tại Seoul (Hàn Quốc), sông Hàn được các nhà chức trách xây hàng loạt công viên dọc bờ sông, kết hợp với các sân bóng, đường chạy bộ, bể bơi và các cơ sở giải trí khác.
Vịnh Marina, nơi sông Singapore tiếp nối với biển, từ thập niên 1960-1970, Chính phủ Singapore đã xác định biến khu vực này thành một trung tâm kinh doanh - giải trí - định cư mang tầm thế giới nên đã tiến hành quy hoạch và sắp xếp lại. Đến nay, tại đây đã cho thấy một bức tranh đô thị dọc sông rất hiện đại, bao gồm các công trình như văn phòng, khách sạn, trung tâm mua sắm, các trung tâm giải trí và không gian công cộng.
Đô thị dọc đôi bờ sông An Cựu vẫn đang nhếch nhác, chưa được chăm chút nhiều
Phát triển đô thị sinh thái ven sông
Sông An Cựu rẽ từ sông Hương (đoạn cuối của cồn Dã Viên) chảy qua địa phận TP. Huế, thị xã Hương Thủy rồi đổ ra phá Hà Trung với chiều dài khoảng 30km. Nơi dòng sông đi qua, mật độ cư dân sống hai bên dòng sông khá đông đúc, nhất là đoạn từ cầu Ga về đến cầu An Tây (TP. Huế), song đô thị hai bên sông nơi đây còn nhếch nhác, dòng sông ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị. Nhà cửa không được quy hoạch, xây dựng lộn xộn, đường sá đi lại chật chội, nhiều nơi chẳng có vỉa hè, thiếu sáng. Trong khi dọc đường này có quá nhiều di tich lịch sử, nhiều phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa triều Nguyễn đang còn khá nguyên vẹn.
Sông Kẻ Vạn, chảy qua địa phận phường Kim Long, sông Như Ý chảy quan địa phận phường Vỹ Dạ, sông Bạch yến, Ngự Hà… cũng chung tình trạng. Nhà cửa hai bên sông nhếch nhác, chưa tạo dấu ấn đột phá cho một đô thị ven sông đẹp đẽ và hoành tráng; nhiều nơi nhà cửa vẫn quay lưng lại với dòng sông, trông mất mỹ quan.
Theo nhiều chuyên gia đô thị, Huế trong quá trình phấn đấu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, thành phố văn minh - hiện đại thì không thể tách rời trục quy hoạch đô thị Huế ra khỏi các dòng sông, bởi các dòng sông chính là điểm nhấn tạo cho môi trường xanh và mở. Tuy nhiên, đến nay, việc quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông ở Huế chỉ mới dừng lại ở sông Hương. Đây là điều thật đáng tiếc cho việc phát triển đô thị ven sông.
Một số người cho rằng, hệ thống sông ngòi ở Huế chi chít, quả là một tài sản thiên nhiên quý giá nên việc tiếp cận quản lý, đầu tư phát triển đô thị dọc sông phải được tôn trọng, gìn giữ, không phí phạm để sau này phải hối tiếc và cũng không có cơ hội sửa chữa.
Trong xu hướng phát triển nóng về đô thị khắp nơi trong cả nước thì Huế vẫn đang còn giữ được nét cổ kính, trầm mặc, thành phố có thiên nhiên đẹp, hòa quyện với kiến trúc đô thị. Có được điều đó, có sự đóng góp rất lớn của nhiều dòng sông ở Huế. Để thành phố ngày càng đẹp và nên thơ, Huế nên chú ý tập trung phát triển đô thị sinh thái dọc các dòng sông. Bởi việc khai thác hiệu quả các dòng sông và không gian hai bên bờ sẽ mang lại những nét độc đáo cho hình ảnh đô thị Huế đẹp hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là các dự án bất động sản, các tổ hợp xây dựng; đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch trên sông có hiệu quả hơn.
Hiếm có nơi nào như Huế, khi mật độ dân cư chưa nhiều (khoảng trên 300 ngàn dân), diện tích không lớn (71,68km2), song Huế lại có mật độ sông khá nhiều: sông Hương, An Cựu, Đông Ba, Ngự Hà, Kẻ Vạn (Kim Long), Như Ý, Bạch Yến… |
Bài, ảnh: Khôi Nguyên