Chồng giận vợ phải bớt lời…

Trong lễ tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc năm 2013, gia đình chị Lê Thị Mỹ Phương, trú 6/17 Nguyễn Công Trứ (phường Phú Hội, TP Huế) để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó phai. Nói về phương châm để giữ cho gia đình êm ấm, chị Phương cho biết, trong gia đình, vợ chồng chúng tôi bình đẳng, hiểu nhau, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, biết nhường nhịn và giữ hòa khí trong gia đình, chồng giận vợ phải bớt lời. Do đó, trong gia đình chưa bao giờ xảy ra cãi vã, xích mích mà tràn đầy niềm vui, tiếng cười, gia đình luôn được bồi đắp, thắp sáng tình yêu thương. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn thuận vợ thuận chồng, chi tiêu hợp lý lo cho hai cháu ăn học đến nơi đến chốn. Hiện, cả hai cháu đều rất ngoan và đang học đại học.
 
Ông Trần Hùng, trú tại 130 Nguyễn Chí Thanh (tổ dân phố 14, phường Phú Hiệp, TP Huế) cho biết: “Vợ chồng tôi thống nhất là dù trai hay gái chỉ hai là đủ, tiêu chí này chúng tôi đã cùng nhau phấn đấu thực hiện. Đồng thời, vận động bà con tổ dân phố thực hiện nghiêm chỉnh chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nuôi dạy con ăn học chu đáo”. Một nhiệm vụ cơ bản và hết sức quan trọng của gia đình là định hình cho con trẻ một nhân cách và hướng nghiệp đúng đắn. Theo ông Hùng, dù khó khăn, nhưng vợ chồng ông luôn cố gắng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Đến nay, cháu đầu đang là sinh viên đại học sư phạm năm thứ 4, cháu út là sinh viên kiến trúc năm thứ nhất. Trong gia đình, chúng tôi luôn giáo dục con cái kính trên nhường dưới, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết trân trọng thành quả lao động có được. Bên cạnh đó, gia đình ông Hùng còn thiết lập mối quan hệ thân thiết, đoàn kết với hàng xóm, láng giềng, vận động bà con giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, nhường cơm sẻ áo cho những mảnh đời bất hạnh, không nơi nương tựa.
 
 Đó là 2 trong số 54 điển hình tiên tiến đại diện cho hơn 60.000 gia đình, vừa được UBND TP Huế tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2013. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã gắn kết với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, từ đó có tác động sâu rộng đến từng gia đình và tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, lối sống của xã hội theo hướng tiến bộ hơn. Phong trào cũng đã có ý nghĩa giáo dục, gìn giữ và phát huy những giá trị tinh thần, thuần phong mỹ tục, khơi dậy niềm tự hào về những giá trị truyền thống của gia đình Việt.
 
Xây dựng gia đình thành tế bào lành mạnh của xã hội
 
Trong 5 năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa TP Huế phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội. Đến năm 2012, tổng số gia đình đạt chuẩn văn hóa là gần 63.000, đạt tỷ lệ trên 90%, tăng 6% so với năm 2007. Trong đó, có hơn 50% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa liên tục 3 năm trở lên, 42% được công nhận liên tục 5 năm trở lên.
Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế đánh giá: Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở TP Huế thời gian qua đã kế thừa và phát huy truyền thống gia đình, nề nếp gia phong của Huế, gắn kết văn hóa truyền thống với yêu cầu của nếp sống văn minh trong thời kỳ hiện đại, vừa kế thừa, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời bổ sung thêm những nội dung mới có tính thời đại. Những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được xóa bỏ, nếp sống văn hóa, văn minh từng bước được xây dựng, phát triển. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư; gắn liền xây dựng đời sống văn hóa tinh thần với xây dựng văn hóa vật chất, gắn phát triển đời sống văn hóa với phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo.
 
Để phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng thiết thực và hiệu quả các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú và thiết thựcnhằm giúp nhân dân nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc về thực chất và lợi ích của phong trào đối với cuộc sống của từng người dân, từng hộ gia đình và từng khu dân cư. Đồng thời, nâng cao hơn nữa tính tự giác, chủ động và tinh thần trách nhiệm, dân chủ của người dân trong việc tích cực hưởng ứng xây dựng phong trào; đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực tạo điều kiện vật chất tốt nhất để xây dựng và phát triển phong trào một cách thiết thực và bền vững.
Giáng Thu