Người lao động tại nhà máy điện ở tỉnh Preah Sihanouk (Campuchia). Ảnh: The Phnom Penh Post

Phát biểu trước báo giới truyền thông, Bộ Năng lượng Campuchia cho biết, việc tiến hành mở cửa thêm hai nhà máy điện tại quốc gia này trong năm 2017 cho thấy Campuchia có thể tự cung cấp điện cho người dân trong nước, bất chấp mức độ tiêu thụ điện đã tăng lên khoảng 14%.

Cụ thể, sản lượng điện trong năm 2017 của Cambodia ước đạt tổng cộng 8,15 tỷ kW giờ - tăng 14% so với 7,17 tỷ kW giờ của năm 2016, trong đó bao gồm 20% được nhập khẩu từ Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Kết quả này có được từ sau khi một nhà máy nhiệt điện tại tỉnh Preah Sihanouk đã tăng thêm 135 MW công suất so với mức công suất trước đây vào khoảng 270 MW. Dự kiến trong tương lai, nhà máy sẽ đẩy mạnh tần suất hoạt động lên thành 700 MW, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.

Nhằm thực hiện hóa mục tiêu tự chủ về năng lượng, giới chức Campuchia cũng tiến hành cấp phép chạy thử dự án đập thủy điện tại hạ lưu sông Sesan II, với 2 trong số 8 tuabin vào cuối năm 2017 vừa qua. Nhiều khả năng tất cả các tuabin sẽ cùng đi vào hoạt động vào tháng 10/2018, với tổng công suất lên đến 400 MW.

“Tổng sản lượng điện sẽ ước đạt mức tăng tương ứng 15%. Tất cả mọi thứ đều phát triển phù hợp với kế hoạch của chúng tôi”, tờ Phnom Penh Post dẫn lời ông Victor Jona – phát ngôn viên Bộ Năng lượng Campuchia cho hay.

Theo thống kê, Cơ quan Điện lực Campuchia (EAC) đã cung cấp điện cho hơn 14.000 ngôi làng, chiếm 81% tổng số làng trên địa bàn cả nước. Trong đó bao gồm khoảng 3,3 triệu hộ dân, chiếm 68,5% số hộ gia đình.

Trong năm 2018, EAC có kế hoạch mở rộng kết nối điện đến hơn 5% tổng số làng, với hơn  4% tổng số hộ gia đình còn lại.

Ông Victor Jona  nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng tôi chỉ cung cấp điện cho hơn 19 tỉnh thành. Mục tiêu của năm tới là nâng mức độ phủ sóng của lưới điện quốc gia đến tất cả 25 tỉnh thành trên địa bàn cả nước”. Tuy nhiên, kế hoạch này cần được đẩy mạnh thực hiện song song với các nỗ lực thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng bền vững như năng lượng mặt trời, nhằm giảm thiểu tối đa các tác hại xấu đến môi trường tự nhiên.

Đan Lê (Lược dịch từ The Phnom Penh Post)