Những tưởng, sau vụ nổ tại kho phế liệu nằm trên địa bàn khu đô thị Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội) vào chiều 19/3/2016, làm 4 người chết, 10 người bị thương cùng với hơn 100 căn nhà và nhiều phương tiện hư hỏng… là bài học cảnh tỉnh trong việc quản lý, kinh doanh vật liệu nổ nói riêng và sự an toàn tại các kho chứa phế liệu nói chung; thì sáng 3/1 vừa qua lại xảy ra vụ nổ tại kho chứa phế liệu giữa làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) làm 2 cháu bé bị thiệt mạng, 7 người bị thương nặng và nhiều ngôi nhà bị hư hỏng. Nguyên nhân là do chủ cơ sở đã mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ để tháo dỡ làm phế liệu, gây nổ.

Việc quản lý, sử dụng vật liệu nổ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chặt chẽ tại Pháp lệnh số 16, ngày 30 tháng 6 năm 2011 về việc Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; và Luật số 14/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017; trong đó, nghiêm cấm việc đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Chính phủ và chính quyền các địa phương cũng đã ban hành nhiều nghị định, quy định để quản lý về loại vật liệu nguy hiểm này.

Tuy nhiên, nhiều người vì cái lợi trước mắt đã bất chấp pháp luật, bất chấp nguy hiểm đến bản thân và người xung quanh.

Trong chiến tranh, quân đội Mỹ sử dụng 15 triệu tấn bom mìn được; trong đó, có khoảng 10% chưa phát nổ còn sót lại trên các địa bàn. Thừa Thiên Huế cũng là một trong những điểm nóng về bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Thời gian qua, với sự nỗ lực của Bộ Quốc phòng, Bộ CHQS tỉnh, các tổ chức quốc tế… công tác rà phá bom mìn, giảm thiểu nguy cơ bom mìn còn sót lại đã được triển khai thường xuyên. Tuy nhiên, do số lượng bom mìn lớn, địa hình phức tạp nên kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Nguy hiểm hơn, nhiều người dân đã tự ý đào bới và đã từng xảy ra nhiều cái chết thương tâm do cưa bom mìn lấy sắt, thuốc nổ để bán.

Điều lo lắng nữa hiện nay là sự tồn tại các kho chứa phế liệu trong các khu dân cư; với đa số là tự phát, công tác phòng chống cháy nổ chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài thu mua, tập kết những vật dụng dễ cháy, một số cơ sở còn thu mua các vỏ đạn cối, pháo cỡ lớn, khiến người dân gần đó bất an. Theo thống kê, trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra khoảng 10 vụ cháy các cơ sở kinh doanh phế liệu; mới đây nhất là vụ cháy trên đường Nguyễn Tất Thành, TX. Hương Thủy đã thiêu rụi toàn bộ cơ sở.

Sự tồn tại các cở thu mua phế liệu trong các khu dân cư là nỗi bất an lớn cho người dân sống xung quanh. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, giải pháp triệt để nhất là quy hoạch, di dời các cơ sở này đến một nơi xa khu dân cư đã được nhiều địa phương tính đến. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc tìm vị trí thích hợp, kinh phí nên đến nay công việc này vẫn chưa được triển khai. Trước mắt, cần rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn; kịp thời xử lý, ngăn chặn việc tiêu tàng trữ, thụ vật liệu nổ, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh.

Đặng Thành